[Blog] Hiểu – Chuyện Không Đơn Giản…


Lẽ ra cái chủ đề này phải này trong phần “Sự Thật” trong Menu của Blog, nhưng vì nó mang tính cá nhân nhiều quá nên đành để sang phần Blog. Nói thẳng với các bạn là cái Chuyên Mục “Sự Thật” chỉ chứa đựng những cái khó hiểu, lập dị nên tôi ẩn nó đi trong mắt mọi người. Thế cho nên, cái bài viết mang hơi hướm của nó cũng khó hiểu như thế. Thành ra là bạn được khuyến nghị như sau:

Bài viết này mang nhiều quan điểm và các sự việc cá nhân đồng thời được Tag trong phần Blog. Vì lợi ích của chính mình – bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định đọc tiếp hoặc sử dụng thanh Menu để đọc những bài khác vì bài viết này có thể không bổ ích hoặc mang nhiều tư tưởng ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn!

Để hiểu một vấn đề có thể khó hơn ta vẫn tưởng, vì nói dễ thì thế gian này đã không phức tạp. Hiểu người đã khó – hiểu mình còn khó hơn. Chuyện cũ nhớ lại, bỗng nhiên giựt mình… 10 năm không dài… 20 năm liệu đã dài hay chưa, thế còn 30 năm? Chúng có lẽ chỉ là những con số nhỏ nhoi… nhưng so với 1 đời người vẫn là con số đáng kể. Vậy mà… Ta đã làm được gì? Chưa làm được gì? Ngày hôm qua cứ như là một giấc chiêm bao…

Viết linh tinh (Vâng – chỉ là linh tinh) cho những ngày mưa đầu tháng 6… 2012

Mọi chuyện được viết theo mức độ tăng tiến từ dễ hiểu… đến khó hiểu!

Năm 3 tuổi…

Ký ức xa xưa nhất mà nó còn nhớ được là năm 3 tuổi, có nhiều người cho đó là chuyện khó tin – làm sao mà 1 thằng nhóc lại có thể nhớ dai như thế. Mà với nó thì cũng không có gì lớn lao và đáng ngạc nhiên. Vì tất nhiên là chẳng thể nhớ một cách rõ ràng rành mạch, mà có nhớ thì cũng chỉ là những hình ảnh mơ hồ về duy nhất một sự kiện: vì nó bị mất món đồ chơi yêu thích của mình.

Đó là một chiếc máy bay nhựa, có những bánh xe được chạy bằng cách lên dây cót. Những chiếc bánh xe nhỏ xíu chuyển động và lăn nhanh xuống một con dốc. Và vì đó là con dốc… nên thay vì hết cót và dừng lại thì những chiếc bánh xe nhỏ xíu vẫn lăn trong cái nhìn của thằng nhóc 3 tuổi. Một bánh xe khác… to hơn rất nhiều lần… cứ chậm chạp lăn bánh từ xa tiến lại… không nhanh… nhưng chính xác để cán qua một cái máy bay nhựa khiến nó văng tung tóe thành từng mảnh.

Thằng bé không khóc, nhưng nó vừa cảm thấy mất đi một thứ gì đó mà nó yêu quý… nó thấy mình bị tổn thương. Nhưng rồi nó hiểu rằng món đồ chơi đó sẽ mãi không bao giờ còn nguyên vẹn như ban đầu nên khóc lóc hoặc làm ầm ĩ giống như lũ trẻ con khác quanh khu phố cùng chơi với nó là vô ích. Và cũng hiểu rằng nó có thể kiếm được món khác giống như thế ở cửa hàng. 

Vậy là khi người ta không khóc vì bị tổn thương, bị mất mát là khi người ta hiểu rằng có những thứ đã qua có níu giữ cũng vô ích hay đó là khi người ta mang trong lòng một hy vọng mong manh rằng mình sẽ còn tìm được thứ khác giống hoặc hoàn hảo hơn ở cửa hàng, ở một nơi nào đó…

Sự hiểu lúc này như không hẳn là một sự chấp nhận mà gần như sức mạnh và nghị lực để nó không khóc lóc chính là nhờ vào suy nghĩ khác an ủi nó. Nhưng… Biết làm sao được… Cảm xúc và suy nghĩ của một đứa nhóc 3 tuổi chỉ có thế. Đồng thời đó cũng là bước ngoặc lớn lao khi mang trong mình cảm xúc đầu tiên về sự mất mát.

Năm 4 tuổi…

Một sáng thức dậy để chuẩn bị đi học (mẫu giáo), nó thấy dưới nhà mở đèn sáng, người ra vào đông hơn mọi bữa. Dĩ nhiên, một thằng nhóc cũng có thể nhận ra sự khác biệt đó vì ngày nào – vào giờ mà nó chuẩn bị đến trường là mọi người xung quanh nó cũng có dáng vẻ của người đang ngái ngủ mà bị đánh thức như nó. Nhưng hôm đó, không khí ồn ào, trông mặt ai cũng có vẻ sốt sắng, lo lắng mà nó không hiểu chuyện gì hết. Nó hỏi mẹ: Sao dưới nhà đông người vậy mẹ. Mẹ chỉ nhìn nó rồi nói nhanh rằng: Bà Ngoại mất rồi!

Thật ra thì lúc đó, nó không hiểu điều đó có ý nghĩa gì nhưng cũng không hỏi thêm. Lúc đi ra cửa thấy trên gường Ngoại hay nằm có một dáng người đang phủ một tờ giấy đỏ che mặt. Còn các cậu của nó thì ngồi xung quanh giường rì rầm đọc kinh. Chiều đi học về thấy trong nhà còn đông người hơn, bàn ghế phủ đầy như sắp đãi tiệc (suy nghĩ của 1 thằng nhóc 4 tuổi).

Suốt những ngày sau đó, nó cũng không thực sự hiểu mọi người đang làm gì mà sao người thân trong nhà thỉnh thoảng lại khóc. Cũng không hiểu Ngoại nó đi đâu mất rồi. Sau tang lễ và nhiều tuần nữa trôi qua, nó mới dần hiểu ra: “Bà Ngoại mất rồi!” – tức là người mà hay cho nó tiền mua kem sẽ không còn trở về nữa. Nó sẽ không còn gặp bà nữa. Chỉ có hiểu như vậy nó mới nhận ra sự mất mát lúc này đang lớn dần lên.

Sự hiểu lúc này mang đến cho nó suy nghĩ, vậy là những gì mà nó từng nhớ về người đó giờ chỉ tồn tại những tấm hình và trong cái gọi là ký ức. Danh từ: “Cái chết” trong suy nghĩ của một đứa trẻ chỉ có thế. Nhưng điều đó mang đến cho nó sự khai sáng rằng… vậy là: Những người xung quanh nó rồi cũng sẽ mất dần đi như thế. Thế nên đó không phải là nên yêu quý họ khi còn trong sự kết nối này sao?

Tất nhiên, sự thật rằng một đứa trẻ không thể hiểu sâu đến thế, không rõ ràng đến thế. Nhưng một cách mơ hồ khác… đó chính là tiền đề cho những sự thấu hiểu về sau này…

Năm 6 tuổi – đến hết cấp 1…

Làm quen với ngôi trường, khái niệm lớp học, đi học. Sau đó, cứ thế mỗi năm… Chia tay các bạn học cũ để rồi sau ba tháng hè gặp gỡ là lại làm quen với các bạn mới mà vẫn thấy ở sân trường năm trước nhưng chẳng bao giờ chào hỏi vì đơn giản… chúng nó khác lớp mình!

Hiểu ra, trường học là một xã hội thu nhỏ. Sự thay đổi và các mối quan hệ diễn ra là điều tất nhiên cần học thích nghi nếu không muốn bị đào thải… hiển nhiên là lý thuyết này áp dụng với môi trường xã hội cũng thế. Nhưng không vì vậy mà không có sự chọn lọc ở từng giai đoạn. Kết quả rõ ràng là có những đứa bạn chơi rất thân nhiều năm sau này và cũng có những đứa cần xa cách hẳn ra sau một năm chung phòng chung lớp.

Cuối năm lớp 6… 

Một bước ngoặc lớn lao nhất và cũng từng khờ dại nhất chính là nó quyết định bỏ nhà đi hoang. Để rồi hiểu ra thế giới rộng lớn hơn so với suy nghĩ của một thằng nhóc con 12 tuổi dù có thông minh và bản lĩnh đến như nó. Nó không phải là chốn lý tưởng cho một Hoàng Tử từ bỏ gia đình để tha phương. Nhưng như đã nói, đó là suy nghĩ dại khờ thế mà lại là bước ngoặc lớn lao nhất. Vì có va chạm với thế giới này một cách thật tế nhất và trong những hoàn cảnh tàn khốc nhất mới hiểu ra rằng mình đã từng sung sướng như thế nào, được yêu thương như thế nào và hiểu được mặt tối của xã hội ghê gớm đến thế nào. Và ở đâu đó, cũng có những con người thật sự tốt một cách không vụ lợi – không như những kẻ trong suốt 7 ngày đi hoang mà nó gặp.

Gọi là bước ngoặc lớn lao vì chính trong môi trường đó nó hiểu ra một điều. Trong những hoàn cảnh cùng cực… bản chất của một người bộc lộ một cách chân thật. Bạn đường của nó đã sớm trở thành con rối để kẻ khác sai khiến thành kẻ trộm chỉ vì cái lợi nhỏ nhoi được bao bọc bởi một kẻ không hề chắc chắn, bỏ ra ngoài tai lời khuyên của nó về kẻ không rõ nguồn gốc đó. Thế là nó bước đi một mình.

Trong những ngày đối diện với xã hội trần tục đó, cái xã hội mà hàng ngày nó được những người thương yêu che chở nên chẳng thấy được, chẳng bao giờ phải va chạm vào mặt tối đó. Giờ đấy nó hiểu ra vì sao con người ta lại lo sợ và hoang mang khi đứng trước những quyết định và những khoảnh khắc buộc phải quyết định mà không hề nhìn ra tương lai cho điều đó. 

Vì sao chúng ta lại lo sợ? Một trong những lý do đó là… chúng ta chưa từng được dạy cách đối phó trước những hoàn cảnh bất ngờ nhất, trước những tình huống ngoài dự kiến. Sự thấu hiểu này là sự nhận biết bản chất của mọi vấn đề, và cái giá phải trả cho những điều đó là sự nguy hiểm. Trong câu chuyện này, nếu nó không phải trả giá… có thể nó đó là vì nó quá may mắn.

Gọi là một bước ngoặc lớn lao… một lần nữa là vì đó là một tiền đề khác cho những quyết định sau này của nó. Luôn có kế hoạch một cách bài bản và những dự tính, sắp đặt cho tương lai lâu dài từ rất sớm.

Cuối năm lớp 8…

Đã chứng kiến nhiều lần “sự ra đi” của những người xung quanh nó. Nhưng chưa bao giờ đối diện với cảm giác gần như tìm đến “cái chết” như một sự lựa chọn tất yếu cuối cùng.

Có trong hoàn cảnh và suy nghĩ đó mới hiểu những người tuyệt vọng họ quẫn trí như thế nào. Tâm lý họ yếu như thế nào… cái họ cần là một cái phao đúng lúc. Để rồi khi mọi chuyện qua đi, nó hiểu thêm một điều.

Đừng bao giờ dại dột tìm đến cái chết, đó không chỉ là tội lỗi với chính mình mà còn với những người thật sự yêu thương và quan tâm mình. Mọi việc đều sẽ có cách giải quyết. Cái chết chưa bao giờ là một phương án đúng hoặc là một lựa chọn hoàn hảo.

Năm 17 tuổi…

Trong một liên kết khai sáng bởi Duyên và Nghiệp, lần đầu tiên trong đời có người có thể giải đáp những câu hỏi hóc búa nhất của nó (để biết thêm về nhân vật Nó và những câu hỏi cố tình làm khó người khác –  có thể đọc lại bài viết Nó – Cổ Tích, Phim Hoạt Hình và Phong Cách Fantasy). Đồng thời mở ra cho nó những chân lý vĩ đại nhất. Một góc nào đó, con người ấy trong lòng nó là một thần tượng.

Nhưng thần tượng vẫn là con người. Mà con người thì không tránh khỏi sai lầm. Nó hiểu ra rằng, khi chúng ta thất vọng về một ai đó, chẳng qua chúng ta đang thần thánh hóa họ mà quên rằng đời thật họ chưa bao giờ hoàn hảo.

Vậy nếu thật sự yêu thích họ, hãy yêu thích những gì mà họ đã mang đến cho ta và xa hơn là chấp nhận con người thật của họ. Còn bằng không chúng ta chỉ đang tôn thờ một sự hoàn hảo… hảo huyền. Và khi sự hoàn hảo mất đi… chúng ta hụt hẫn là tất nhiên.

Nó đồng thời cũng hiểu ra rằng, phần lớn người ta ghét – bắt đầu ghét – ghét cay ghét đắng một hay những chuyện, những người nào đó chính là vì hình ảnh đó, con người đó, điều đó không làm họ hài lòng, vừa ý.

Quan niệm là một thứ vô hình nhưng sức mạnh cực lớn, nó có thể là động lực để phấn đấu và có lúc cũng là bức tường nhốt lấy chính người đã tạo và giữ một quan niệm. Đó là đối với một cá nhân – Một xã hội quan niệm và quan tâm những điều đúng đắn thường phát triển vượt bậc so với một xã hội đầy những quan niệm và định kiến cổ hũ, đầy những quan niệm sai lầm chết người. Xa hơn nó sẽ giết chết cả một thế hệ và một dân tộc.

Năm 18 tuổi…

Toàn bộ sự kiện của thời gian này được kể trong một bài viết khác: Tự Bạch – Lý Lịch Trích Ngang

Học được rằng, hiểu được rằng chẳng dễ dàng gì chấp nhận sự thật – nhưng nếu không như thế thì sự thật vẫn là sự thật. Vậy cách tốt nhất là là thay đổi bản thân để đón nhận nó.

Hiểu được rằng, Hạnh phúc đâu cần phải được xây dựng từ những điều lớn lao nó được góp nhặt mỗi ngày từ những điều rất nhỏ mà con người dành cho nhau. Điều đó lại càng quan trọng hơn đối với tình yêu của chính mình.

Năm 20 tuổi… 

Đọc cuốn tiểu thuyết Rừng Nauy – Hiểu cốt truyện, không hiểu tâm lý nhân vật… cứ thắc mắc tại sao nhân vật nam được nhắc đến lại tự tử. Và cũng không hiểu luôn đoạn kết. Không hiểu tại sao nhiều người bảo rằng hay mà mình thì thấy nó nhạt thếch….

Năm 23 tuổi…

Cũng quyển sách đó – đọc lại… bổng nhiên hiểu ra lý do tại sao người đó tự tử nhưng cũng không sao hiểu đoạn kết… Đọc lại vì thắc mắc tại sao nếu có một thứ số đông vẫn cho nó là hay là đẹp thì lý do gì mình không nhận ra? Mình – hay mọi người đã khác nhau ở điểm nào? Quan niệm của mình sai hay số đông sai? Xác suất số đông sai vẫn có nhưng trước khi kết luận điều đó cần nhìn lại chính mình để hiểu vì sao có sự không đồng điệu? 

Nó thắc mắc điều này cũng vì lý do đơn giản thôi – nó muốn hiểu tâm lý số đông.

Năm 25 tuổi…

Thế rồi, trong một lần đang chạy xe trên đường, miên man suy nghĩ về cuộc đời, về các chuyện đã qua… bổng dưng lại thấy có mối liên hệ nào đó với Rừng Nauy đã đọc năm nào… rồi cũng thật tự nhiên… chẳng cần ai chỉ bảo, gợi ý hay giải thích. Tự dưng lại hiểu thấu cốt truyện đó, hiểu được xuyên suốt tâm lý nhân vật và cũng… bổng dưng hiểu ra đoạn kết của cuốn tiểu thuyết đó tại sao lại diễn ra như vậy.

Vậy là, cái hiểu không chỉ dựa vào lý lẽ, con người đó có thông minh sáng dạ hay không… cũng con người đó, cũng cốt truyện không thay đổi… nhưng để hiểu nó… cần có thời gian. Vậy trong khoảng thời gian đó – điều gì đã thay đổi?

Những năm 18 – 20 tuổi, tình yêu trong sáng và lãng mạn. Người ta chỉ vẽ lên trong đầu viễn cảnh tươi đẹp, thế giới tình yêu lúc đó có giận hờn chia tay thì cũng vẫn có màu hồng ở phía trước. Làm sau thấy được màu đen của nội tâm để hiểu những góc khuất của tâm hồn mỗi người. Vậy nên cái hiểu lúc này đơn thuần chỉ là nhận biết được bề mặt của một tác phẩm.

Nhìn lại và hiểu được rằng, đừng vội đánh giá những giá trị đã được nhiều người thiết lập. Nếu cảm thấy không yêu thích phải tìm được lý do thỏa đáng để giải thích. Đừng mang quan điểm cá nhân để chỉ trích điều trái quan điểm của chính mình – nhất là khi nó có một lượng người ủng hộ hùng hậu. 

Năm 23 tuổi, vài năm trong tình yêu – tất phải nếm trải được ít nhiều mặt tối và cũng qua rồi cái thời kỳ chỉ tồn tại tình yêu lãng mạn “trong sáng”. Thế nên đạt đến cái hiểu tâm lý nhân vật là điều tất nhiên phải xuất hiện là không quá khó để giải thích… Vậy mà vì sao vẫn không hiểu được đoạn kết? 

Năm 25 tuổi, đã qua thời kỳ tình yêu trong sáng, cũng đã biết vị đắng của tình yêu, đã biết chán chường giữa cuộc đời. Đã xuất hiện… cái cảm giác mệt mõi khi suy nghĩ hay có ý muốn bắt đầu một mối quan hệ mới với ai đó. Nhiều khi đó là cảm giác của sự nản phải xây dựng mọi thứ lại từ đầu. Thế cho nên, lâu dần người ta tưởng tâm hồn mình đã chai sạn rồi, ngọn lửa trong lòng đã tắt rồi… thì sự thấu hiểu về đoạn kết của Rừng Nauy năm nào… như một đổm lửa bừng sáng trong tâm hồn là điều tất yếu phải xuất hiện.

Cho nên, khi nhìn lại tất cả mới thấy cái mà nó nghĩ chỉ đơn giản là cần thời gian để “Hiểu”. Lại không đơn giản là hiểu. Cần có thời gian để va chạm với thực tế, để tự thân trải nghiệm những cảm xúc. Nhớ lại một bản dịch gần đây nó đã hoàn thành, có một đoạn: “Hãy để bản thân được mắc những sai lầm… có như thế mới gọi là trưởng thành.”Cái sự hiểu được do vay mượn nó tai hại ở chổ làm cho con người ta thành kẻ chỉ biết lý lẽ và đạo lý suông. Hoàn toàn là lý thuyết chứ chẳng có chút gì gọi là hiểu – đó chính xác chỉ là “biết”. Nó giống như khi nói: “Tôi có biết người đó” – sẽ không bao giờ giống câu: “Tôi hiểu người đó.”

Năm 26 tuổi…

Nó cảm thấy chán cái sự đời. Và tìm đến những lý giải cho mọi nguyên nhân đó. Mọi chuyện được giải đáp như những nhân duyên tốt đẹp. Nhưng, sau khi càng thấu hiểu nhiều lý lẽ của cuộc đời lại càng không thể nói ra và chia sẻ với ai hết. Càng chỉ muốn xa cách với thế giới nhiều hơn. Thế nên không ít lần nó luôn khuyên người khác rằng:

“Đừng cố giải thích cho người khác cái điều mà bạn hiểu nếu điều đó vượt quá xa tư tưởng mà người tiếp nhận tri thức đó có thể hiểu. Lúc đó bạn sẽ lâm vào hoàn cảnh giống như lạc vào thế giới của 2000 năm trước và cố giải thích cho người dân thời kỳ đó thế nào là điện thoại, Internet, máy bay…”

Thật vậy, nếu thật sự bạn có thể hiểu được tất cả… cũng đừng vội nói và càng không nên nói cho mọi người biết điều đó, bởi lẽ sẽ chẳng ai hiểu rõ hơn chính bạn. Người khác có tán thành cũng chỉ là vì vị nể hoặc là vì một lối giao tiếp ôn hòa.

Năm 27 tuổi…

Sự tích lũy kiến thức không giúp ta hiểu được cuộc đời. Tri thức là một lẽ và hiểu là một lẽ khác. Tri thức không dẫn đến sự hiểu; thế nhưng sự hiểu có thể làm phong phú cho tri thức và tri thức có thể cung cấp thông tin cho sự hiểu.

Ta biết sân hận là điều vô ích, biết thế nhưng thoát khỏi sân hận là một vấn đề khác. Còn lòng yêu thương lại càng không phải là việc của tri thức. 

Krishnamurti – (Nguyễn Tường Bách dịch)

Tự nhận ra một cách không khoe khoan rằng sự hiều trong chính bản thân nó đã đạt một mức độ cao hơn. Không còn hướng về các vấn đề của thế giới bên ngoài nữa mà chỉ tập trung để hiểu bên trong nội tâm và những gì liên quan đến bản thân mình. Đó là lúc nhận ra trong câu nói của truyết gia Krishnamurti – vấn đề mà ông đề cập… chữ hiểu đó bản thân nó không còn là hiểu một cách đơn thuần nữa: Chữ “Hiểu” trong câu nói của vị triết gia… Đó là “Ngộ”.

Năm 28 tuổi…

Hiểu được thấu đáo một vấn đề chưa bao giờ là điều đơn giản – Nó bao hàm của tất cả các ý xuyên suốt trong bài viết và đôi khi còn phải có dự góp mặt của Duyên. Vì sao chúng ta cần phải hiểu, hiểu điều gì và nên hiểu cái gì? Dù là trong vấn đề nào, hiểu biết luôn là bước đầu tiên để đi đến chấp nhận, không thể gọi là hiểu khi bản thân chưa bao giờ nếm trải. Cái nên hiểu nhất chính là bản ngã của chính mình và những điều đúng đắn, đừng phí thời gian để giải đáp các vấn đề không thiết thực.

Hình ảnh của những sự ra đi, những mất mát trong đời là những minh chứng hiển nhiên và là nổi ám ảnh buộc ta nên sống trong tỉnh thức từng ngày, để sắp đặt mọi việc trong kiểm soát và đúng quỹ đạo của nó. Chờ đợi ngày mà nó sẽ phải đến. Để ngạo nghễ nói với nó rằng: Mi không chỉ xuất hiện và chỉ hành động với những người xung quanh ta mà còn với chính ta nữa. Do đó, Ta hiểu mi và ta sẵn sàng đợi mi…

Năm 29 tuổi…

Đã thấy… Đã biết… Đã hiểu… Đã Ngộ… sao vẫn còn chần chừ? 

Năm … tuổi…

Và… 

Henry Long Nguyen

© 2012 – 2015, https:. Luôn Tôn Trọng và Bảo Hộ mọi Tác Quyền như một lời cảm ơn!


Leave a Reply to Bichdinh66 Cancel reply

21 thoughts on “[Blog] Hiểu – Chuyện Không Đơn Giản…

  • Hai con cá

    đọc bài này vì tò mò tuổi của chủ Blog :))  đọc bài viết trong blog của anh làm e mất 1 khoảng time để cân bằng lại, sâu sắc, ý nghĩa rất đáng để suy ngẫm, thật ra chưa thể hiểu hết n~ ji` anh viết 🙂

  • ...

    Năm 24 tuổi
    Đọc “Rừng Na Uy”, 1 lần, không nhiều ấn tượng để muốn đọc thêm những lần sau. Hiểu. Đôi khi người ta hiểu vì người ta hiểu, không cần qua nếm trải.
    Cũng nhận ra mình có những bản ngã. Dằn vặt với hành động mình đã làm, đã luôn nghĩ mình sẽ không làm vậy.
    Năm 25 tuổi
    Suy nghĩ “mình khác người” ngày càng ở mức báo động. Đã mang theo “và đó là cuộc sống” để tự an ủi bản thân, nhưng không loại được cảm giác “nhạt vị”.
    Năm 26 tuổi
    Vẫn lãng phí thời gian cho những việc không thiết thực. Không muốn, nhưng cho phép bản thân vì hình như đã là bản tính.
    “Thông minh là 1 cái tội”. Sự sáng suốt quá cao, thấy những điều chẳng cần thấy, mệt mỏi.
    Muốn nhưng lại không muốn, nhưng lại muốn… Cần mà chẳng cần, nhưng nên cần mà lại cũng chẳng cần mà lại cần, nhưng lại chẳng cần thật… Hiểu mà không muốn hiểu, nhưng hiểu nên phải hiểu mà lại không thể hiểu nên không hiểu rồi hiểu rồi không hiểu rồi… (đừng cố giải thích cho người khác…?)
    ……..
    Có lẽ chưa “ngộ”.

  • David Vu

    (xinloi…vi em khong the viet co dau…^^,)

    Nhung dieu anh viet that lam xao dong long nguoi,dac biet la nhung nguoi nhu em,…trang web cua anh Henry da tro thanh nguoi ban dong cam nhat voi em!,nhu anh se biet,em thuoc Cu Giai,vi vay ma cam xuc cua em that kho dieu khien,em luon cam thay…ko biet minh ai?minh dang lam gi?…trong khi cac ban nam khac thi rat gioi nhung mon Toan,Ly,Hoa,…con em thi cam thay mot minh bo vo voi nhung suy xet quang canh va tam ly nguoi khac…vua cam thay tu hao,dong thoi cam thay that vong…em luon ben trong trang thai can bang giua nhung su mau thuan,nhung khong binh thuong…hay co le do la khai niem cua su hut han…em rat Yeu thich TAM LY HOC,nhung ko biet nen tin tuong vao tu lieu nao de hoc(vi trong truong ko day nen em chi co the tim hieu qua Internet)gio day em dag rat…ko biet minh nen lam gi voi ban than!?…voi nhung quan niem trong tam ly xa hoi,gia dinh…da tro thanh mot ap luc khong lo de nang len em,…khien em cam thay nhu minh co the chet di bat cu luc nao…ko ai khac co the an ui,dong vien trong nhung luc kho khan nhat ngoai ban than em…,em ko biet lieu minh con du nang luc de tu an ui ban than nua ko?

    Diem Toan,Ly,Hoa cua em luon duoi diem trung binh,ma ba me thi rat khac khe,luon muon em dat danh hieu “hoc sinh gioi”-va em da dat duoc danh hieu “hoc sinh gioi” trong 9nam,chi con nam thu 10 nay da cho thay em khong the lam hai long ba me minh nua roi…

    Em that su ko biet minh nen lam gi nua,em co nen tu bo uoc mo ve TAM LY HOC?,em…em…ko biet nua,em nghi minh nen can loi khuyen!?…

    Day chi la mot noi niem nho nho can tam su cua em, em xin rat cam on neu anh Henry da doc qua-em ko biet phai lam gi hon ngoai viec cho va doi!…
    Rat cam on anh HenryLongNguyen !

  • Henry Long Nguyen

    Trước khi nói về những điều khác trong Comment của em, anh có thể gợi ý em đọc trước bài viết này để 1 phần nhận ra đâu là “xu hướng” và “hiện thực”. Có thể nó sẽ giúp ích cho em https://henrylongnguyen.com/nhung-ngo-nhan-sai-lam-ve-12-cung-hoang-dao.html

    Tiếp theo, anh thường không đưa ra hoặc nói thẳng là không dám khuyên ai những điều mà bản thân anh nhận thấy nó có thể thay đổi quan trọng nhận thức và cuộc đời của kẻ khác (nếu có thể xảy ra). Vì bản thân của mổi người (theo anh) nên tự quyết con đường của chính mình.

    Tuy nhiên, anh sẽ nói về trường hợp của em bằng 1 câu hỏi tương tự mà có 1 bạn cũng từng xin được gặp anh và hỏi về 1 vấn đề về “những công việc mà anh ấy yêu thích” so với “công việc hiện tại mà anh ấy đang làm” – câu hỏi là nên chọn công việc yêu thích hay công việc hiện tại.

    Cũng như trường hợp của em, anh không trả lời thẳng. Mà nói rằng: Cuộc sống không phải ai cũng may mắn chọn được những điều phù hợp với sở thích của mình như. Và nếu như tất cả đều không đúng ý chúng ta thì chúng ta sẽ đầu hàng, vậy thế giới còn bao nhiêu người sẽ sống, cống hiến và đeo đuổi những ước mơ? Bởi thực tế số người măn mắn luôn ít hơn số còn lại.

    Và chính anh cũng vậy, anh thích viết nhưng có 1 vấn đề anh nhìn nhận và rất thực tế rằng “viết” trong thời đại này (hoặc quốc gia này) không đủ điều kiện hoặc chưa đến lúc có thể nuôi sống 1 người 1 cách mà anh thỏa mãn. Thay vào đó, anh làm những việc khác và nuôi dưỡng đam mê của mình bằng nhiều cách.

    Thế giới, có rất nhiều người đã – đang làm những việc mà họ không hề mong muốn để tồn tại nhưng trong số đó có rất nhiều người vẫn trở nên thành công. Đó là bởi vì họ hiểu 1 điều: Sống đúng với những gì mình mơ ước là tốt nhưng nếu không thể hãy tiếp tục nuôi dưỡng đam mê của mình bằng cách yêu thích những gì hiện tại và tìm cách lèo lái nó để chờ cơ hội phát triển những gì mình thật sự yêu thích. 
    NGUYỆN VỌNG SẼ DẪN DẮT NGƯỜI ĐI.

  • Linh Nguyen

    Vượt qua càng nhiều thử thách, người ta càng trở nên mạnh mẽ. Mạnh mẽ quá lại trở nên cô độc. Nhưng viễn cảnh không thể tìm được người hiểu mình cũng có gì đó ảm đạm …

  • killua

    Đã thấy…Đã biết…Đã hiểu…Đã ngộ…sao vẫn còn chần chừ? Là bởi vì cần 1 hành động sao, đó cũng là 1 trong những lối thoát.

    Những bài viết của anh rất hay, cảm ơn anh đã chia sẻ.