ENTP – The Visionaries – Người Nhìn Xa Trông Rộng


ENTP: Hướng ngoại – Trực giác- Lý trí – Linh hoạt

Những người thuộc nhóm ENTP có lối sống chủ đạo là trực giác hướng ngoại, họ nhận biết thế giới qua trực giác của mình.

Ngoài ra ENTP còn có một lối sống thứ hai là tư duy hướng nội, họ giải quyết những vấn đề theo lí trí và logic.

MÔ TẢ CHUNG:

“Thông minh” có lẽ là từ chính xác nhất để mô tả các ENTP. Một giáo sư đại học có khoảng nửa đề tài nghiên cứu trong đầu, có những bài giảng lý thú về những chủ đề khó hiểu là một ví dụ điển hình về nhóm này. Hoặc là những nhà soạn kịch mà tác phẩm châm biếm của họ không chỉ hài hước mà còn sắc sảo.

ENTP không chỉ giỏi dùng ngôn ngữ mà còn thích tranh luận – vì cảm thấy cần thiết và cũng để chứng tỏ các khả năng ấn tượng của họ. Họ còn có máu hài hước và thích đóng vai người phản biện. Đôi khi họ cũng nhầm lẫn và có thể làm hại những người không hiểu hoặc mặc nhiên chấp nhận các ý tưởng của họ.

Họ cũng rất sáng tạo và khéo léo trong cách giải quyết các vấn đề, đôi khi họ cũng tự lừa bản thân mình bằng cách dùng các “phương pháp giải quyết nhanh gọn” hoặc “đi tắt” bỏ qua các quy định nếu việc làm đó mang lại lợi ích thiết thực. Cả trong công việc lẫn trong gia đình, ENTP rất thích nghịch ngợm – cả về vật chất lẫn trí óc – càng tinh vi, phức tạp lại càng có sức thu hút với họ. Tuy nhiên họ cũng chóng chán và dễ dàng thu hút bởi những trò chơi mới.

Bản chất của ENTP là lạc quan nhưng họ rất dễ bực mình, và cáu kỉnh khi gặp phải những khó khăn nhỏ nhặt. Khi gặp những trở ngại đáng kể thì họ xem đó là sự thách thức đáng kể quyết tâm giải quyết nó. ENTP có xu hướng thiếu kiên nhẫn với những người mà họ cho là ương ngạnh hoặc thiếu thông minh và cũng không có ý định che dấu điều đó. Tuy nhiên, họ cũng rất ân cần, nếu không nói là quyến rũ, khi không bị quấy rầy.

Trong giao tiếp, ENTP có khả năng tạo nên một quan hệ chặt chẽ và nhanh chóng với những người mà họ yêu quý. Với những người thân nhất, mối quan hệ đó có vẻ thoải mái và suồng sã. Với những đồng nghiệp, những người trước đó chỉ nhìn thấy sự chuyên nghiệp của họ, có thể bị họ chinh phục bằng sự cởi mở. ENTP cũng rất giỏi trong việc tìm kiếm những người bạn thông minh và vui tính như họ. Ngoài hai đối tượng đó, ENTP ít chú ý đến phần còn lại của nhân loại ngoại trừ việc xem họ là những thính giả hoặc độc giả (tốt, xấu hoặc tiềm năng) của mình.


Với trực giác hướng ngoại chiếm ưu thế, sở thích của ENTP là tìm hiểu về thế giới xung quanh họ. Họ thường xuyên thu thập ý tưởng và viễn cảnh về những tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống. Sử dụng trực giác để xử lý thông tin, họ có khả năng xử lý tình huống một cách nhanh nhạy và chính xác. Ngoại trừ người anh em ENFP ra, thì ENTP hiểu môi trường xung quanh họ thấu đáo hơn các nhóm người khác.

Khả năng hiểu con người và hoàn cảnh bằng trực giác khiến ENTP có nhiều lợi thế trong cuộc sống. Họ thường nhận biết sự việc nhanh chóng và thấu đáo. Theo đó, họ linh động và thích nghi tốt với nhiều loại công việc. ENTP làm việc rất giỏi với những gì gây hứng thú với họ. Khi đã phát triển được khả năng trực giác và sự hiểu biết thấu đáo, họ trở nên rất nhạy với những cơ hội và tiềm năng điều này có thể khiến họ xoay sở giỏi khi xử lý vấn đề.

ENTP là con người của ý tưởng. Khả năng nhận thức nhạy bén giúp họ nhìn thấy cơ hội ở mọi nơi. Họ hứng thú và say mê với những ý tưởng của mình, và họ có thể đặt niềm đam mê của mình lên trên những thứ khác. Bằng cách này họ có thể nhận được những hỗ trợ cần thiết để đáp ứng ý tưởng của mình.

ENTP không mấy hứng thú trong việc lập kế hoạch hành động hoặc ra quyết định vì họ thích tạo ra ý tưởng và cơ hội hơn. Đối với ENTP, việc theo đuổi và thực hiện một ý tưởng nào đó được họ xem là việc quá lặt vặt. Với một số người thuộc nhóm ENTP, điều này dẫn đến thói quen không bao giờ hoàn thành những gì mà họ bắt đầu. Những ENTP chưa phát triển khả năng suy nghĩ sẽ có xu hướng thay đổi ý tưởng này sang ý tưởng khác mà không hoàn thành kế hoạch của mình. ENTP cần chú trọng việc suy nghĩ thấu đáo về những ý tưởng của mình để có được lợi ích tốt nhất từ chúng.

Tư duy hướng nội là một nhân tố trong quá trình ra quyết định của ENTP. Dẫu cho ENTP thích thu thập thông tin hơn ra quyết định, họ khá lí trí và logic trong việc đi đến kết luận. Khi áp dụng khả năng tư duy vào trực giác của mình, kết quả có thể cực kỳ ấn tượng. Một ENTP điển hình có tầm nhìn rất xa, đầy khả năng sáng tạo và luôn dám nghĩ dám làm.

ENTP là những người có khả năng giao tiếp lưu loát, đầu óc nhanh nhạy, và thích đấu khẩu với người khác. Họ thích gây tranh luận, và thường có xu hướng chuyển từ phe này sang phe khác chỉ để thoả mãn thú vui thích tranh luận của mình. Tuy nhiên, khi họ diễn đạt những ý tưởng cốt lõi của mình, họ cảm thấy lúng túng, nói năng thô lỗ và gắt gỏng.

Nhóm ENTP đôi khi được xem như nhóm “luật sư”. Những “luật sư” ENTP luôn hiểu vấn đề một cách nhanh chóng, chính xác và phản ứng một cách khách quan và lí trí. Khả năng tư duy giúp họ hành động và ra quyết định dựa trên những luật lệ trái ngược với những gì thường xảy ra. Nếu ENTP bênh vực cho một tội nhân nào đó, họ sẽ nhanh chóng dựa vào những sơ hở của luật pháp để giúp thân chủ mình thoát tội. Nếu họ thắng trong tình thế này, họ sẽ thấy những hành động của mình hoàn toàn công bằng và thỏa đáng, bởi theo họ thì chúng hợp pháp. Dù cho thân chủ của họ phạm pháp hay vô tội cũng chẳng liên quan gì. Nếu những lí do này không được ENTP kiểm tra lại kĩ lưỡng thì người khác sẽ dễ dàng nhìn ra chúng trái với đạo lí và thậm chí có phần bất lương. ENTP thường không cân nhắc những quan điểm cá nhân trong việc ra quyết định, họ nên chú ý đến những khía cạnh chủ quan của vấn đề. Đây là một vấn đề tiềm ẩn của ENTP. Mặc dù khả năng logic tiếp thêm sức mạnh và mục đích của ENTP nhưng đôi khi chúng có thể tách họ ra khỏi cảm xúc cá nhân và cô lập với những người khác.

Giác quan và Cảm xúc là hai mặt kém phát triển nhất của ENTP. Nếu Giác quan bị xao nhãng thì ENTP thường có xu hướng không quan tâm đến những khía cạnh chi tiết trong cuộc sống. Nếu Cảm xúc bị xao nhãng thì ENTP sẽ không đánh giá đúng giá trị của người khác, hoặc họ có thể trở nên thô lỗ và hung hăng.

Khi gặp căng thẳng, ENTP có thể mất đi khả năng tạo ra cơ hội, và bị ám ảnh bởi những chi tiết quá nhỏ nhặt. Với ENTP những chi tiết này cực kì quan trọng, nhưng trong thực tế thì nó chỉ là những điều nhỏ nhặt mà thôi.

Nhìn chung ENTP là những người nhìn xa trông rộng một cách lạc quan. Họ đánh giá cao kiến thức, và dành hầu hết thời gian tìm kiếm một sự am hiểu sâu sắc hơn. Họ sống trong một thế giới đầy tiềm năng, luôn hứng thú với những ý niệm chung, thử thách và khó khăn. Khi đương đầu với một vấn đề nào đó, họ rất giỏi tùy cơ ứng biến và nhanh chóng tìm ra một giải pháp sáng tạo. Sáng tạo, thông minh, tò mò và luôn thích đưa ra ý tưởng, cuộc sống của ENTP luôn tràn ngập những cơ hội tiềm năng.

Một vài ENTP nổi tiếng

Theodore “Teddy” Roosevelt – Tổng thống Mỹ

Thomas Edison – Nhà phát minh thiên tài

Lewis Carrol – Tác giả Alice in Wonderland

Tom Hanks – Diễn viên nổi tiếng

Céline Dion – Ca sĩ nổi tiếng

ENTP VÀ SỰ NGHIỆP

Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang muốn biết xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách có khả năng tác động đến sự thành công hay thất bại của bạn trong những ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình cùng với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự coi trọng, thì bạn đang ở trong một tâm thế rất tốt để chọn cho mình một nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.

Các ENTP thường có một số nét đặc trưng sau:

  • Thích đưa ra dự án.
  • Thích đưa ra ý tưởng và giả thuyết.
  • Sáng tạo và khéo léo.
  • Lanh lợi và có năng lực.
  • Linh hoạt và đa dạng.
  • Có khả năng giao tiếp tuyệt vời.
  • Thích tranh luận với người khác.
  • Kĩ năng đối nhân xử thế tuyệt vời.
  • Có khả năng lãnh đạo bẩm sinh, nhưng không thích lãnh đạo.
  • Không thích bị người khác lãnh đạo.
  • Vui vẻ và đầy nhiệt huyết, có thể thúc đẩy những người khác.
  • Đề cao kiến thức và năng lực.
  • Logic, là người suy nghĩ có lý lẽ.
  • Dễ dàng hiểu được những khái niệm và những luận thuyết khó.
  • Thích giải quyết những vấn đề khó khăn.
  • Không thích những kế hoạch làm việc cũng như môi trường làm việc bị hạn chế.
  • Không thích những việc thường ngày và những việc lặt vặt.

ENTP là những người may mắn bởi họ sở hữu rất nhiều năng lực tiềm tàng. Nhìn chung ENTP rất giỏi với những thứ làm họ cảm thấy hứng thú. ENTP dường như thành công trên mọi lĩnh vực. Vì có nhiều sự lựa chọn đến với mình, ENTP dễ dàng chọn những công việc cho phép họ có được sự tự do cá nhân, công việc mà họ có thể sử dụng sự sáng tạo của mình để có những ý tưởng mới và giải quyết vấn đề. Họ sẽ không thoải mái khi bị đưa vào khuôn phép hoặc bị giới hạn.

Danh sách nghề nghiệp dưới đây được tạo ra dựa trên những cảm nhận về nghề nghiệp mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ thích hợp cho một ENTP. Mục đích của nó là cho bạn một sự tham khảo chứ không phải là một bản danh sách chi tiết. Không có bất cứ một cam kết nào chứng tỏ rằng những sự nghiệp dưới đây sẽ phù hợp với bạn, bên cạnh đó cũng có thể sự nghiệp thích hợp nhất đối với bạn cũng nằm trong danh sách này.

Những gợi ý nghề nghiệp phù hợp với ENTP:

  • Luật sư.
  • Nhà tâm lý học.
  • Doanh nhân.
  • Thợ chụp ảnh.
  • Cố vấn.
  • Kỹ sư.
  • Nhà khoa học.
  • Diễn viên.
  • Nhân viên đại diện bán hàng.
  • Tiếp thị cá nhân.
  • Lập trình viên, nhà phân tích cấu trúc dữ liệu, chuyên gia máy tính.

PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CỦA ENTP
10 NGUYÊN TẮC ĐỂ ĐẠT THÀNH CÔNG

1. Trau dồi ưu điểm của mình. Năng khiếu nhìn thấu sự việc sẽ đem lại cho bạn khả năng làm hài lòng chính mình và người khác qua sự thông minh của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn tham gia những hoạt động và những việc có thể giúp bạn bộc lộ được tiềm năng này ở cấp độ có giá trị nhất.

2. Đối mặt với khuyết điểm của mình. Hãy chấp nhận những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình. Bằng cách đối mặt với những điểm yếu, bạn có thể vượt qua chúng và chúng sẽ ít có khả năng ảnh hưởng đến bạn.

3. Đề cập đến quan điểm của mình. Thảo luận với người khác về những gì bạn thấy sẽ giúp họ hiểu rõ bạn hơn, và cho bạn cơ hội để khám phá ra những phương hướng mà sự giúp đỡ của họ có thể cân bằng những ý tưởng của bạn.

4. Thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Hãy bỏ thời gian để nhìn nhận lại những gì bạn có – những món quà mà cuộc sống đã đem đến cho bạn. Hãy cố gắng khám phá ra những giá trị và tầm quan trọng của những công việc hàng ngày, những công việc luôn hỗ trợ và nuôi dưỡng tâm hồn bạn.

5. Hãy cố gắng hiểu người khác. Hãy hiểu rằng mỗi người có cuộc sống và quan điểm của riêng mình. Mọi người đều có quyền đề nghị. Hãy cố gắng xác định tính cách của những người xung quanh mình.

6. Nhận ra những nguyên tắc và những kết cấu là điều cần thiết. Nên nhớ rằng nếu không có sự hỗ trợ và lòng trung thành từ những người xung quanh, không ai có thể theo đuổi những giấc mơ của mình cả. Con đường của bạn đã được sắp đặt, và mỗi hòn đá lót đường tạo nên một sự khác biệt trong nhu cầu con người về lòng trung thành và sự bảo đảm. Nếu không bổ sung được kết cấu ấy, bạn sẽ không thể tiến xa.

7. Thoát ra khỏi vùng an toàn của bạn. Hãy hiểu rằng cách duy nhất để hoàn thiện mình chính là thoát ra khỏi vùng an toàn của bạn. Nếu cảm thấy không thoải mái vì bị bế tắc, rất tốt vì đó là một cơ hội tốt cho bạn trưởng thành.

8. Lắng nghe và biểu lộ cảm xúc của mình. Bạn có thể gặp khó khăn trong việc nhận ra những cảm xúc của mình, tuy nhiên việc này rất quan trọng. Đừng làm tổn thương người khác. Nếu xác định là mình đánh giá cao một người nào đó, hãy nói với họ mỗi khi bạn nghĩ đến nó. Đây là cách tốt nhất để họ cảm thấy an toàn trong tình thương của bạn, cũng như là cơ hội tốt để phát triển một mối quan hệ lâu dài.

9. Chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Hãy nhớ rằng không ai có thể điều khiển cuộc sống của bạn ngoài chính bạn. Đừng biến mình trở thành nạn nhân của những lời biện hộ.

10. Hãy tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất, nhưng nên thận trọng. Thái độ lạc quan gần như luôn tạo ra những tình huống lạc quan. Nên nhớ: để giữ chúng tồn tại và có giá trị, bạn phải cẩn thận lên kế hoạch xây dựng chúng trên những nền móng vững chắc.

ENTP VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ

Là loại người tự nhiên, lạc quan và thoải mái, ENTP có thể làm mọi người xung quanh vui vẻ. Họ nhận được rất nhiều niềm vui và sự hài lòng từ việc gây ảnh hưởng với những người khác, đặc biệt trong việc tranh luận về những giả thuyết và ý niệm gây cho họ sự hứng thú. Họ cũng có xu hướng khởi xướng cuộc tranh luận bởi họ rất thích tranh cãi. Họ thường vui vẻ và thích giao du, cũng như rất quyến rũ. Họ gặp vấn đề trong việc đôi khi còn lơ là những mối quan hệ thân thiết khi tham gia vào một dự án hoặc một ý tưởng mới nào đó.

Những điểm mạnh của ENTP

  • Nhiệt tình, lạc quan, được nhiều người biết đến.
  • Có sức thuyết phục cao.
  • Có khả năng giao tiếp tuyệt vời.
  • Rất thích phát triển và nâng cao những mối quan hệ của họ.
  • Thoải mái, linh hoạt và dễ dàng hòa nhập.
  • Là người của ý tưởng, luôn làm việc với một kế hoạch hoặc ý tưởng tổng quát.
  • Giỏi kiếm tiền nhưng không giỏi quản lí chúng.
  • Luôn nghiêm túc trong những mối quan hệ.
  • Có thể tiếp tục bước tiếp sau khi rời bỏ một mối quan hệ.

Điểm cần khắc phục của ENTP

  • Luôn bị thu hút bởi cái mới và họ hay thay đổi người yêu thường xuyên.
  • Có khuynh hướng đi lệch với kế hoạch và ý tưởng ban đầu.
  • Tính thích tranh luận là nguyên nhân gây ra tranh cãi.
  • Kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, thường không kiểm soát được túi tiền của mình.
  • Dù nghiêm túc nhưng họ sẽ từ bỏ những mối quan hệ mà sẽ không có cơ hội phát triển lâu dài.

Bonus: Tóm Tắt Xu Hướng Tính Cách Theo Tên Gọi Từ Chữ Cái Của Nhóm:

ENTP: Hướng ngoại – Trực giác- Lý trí – Linh hoạt

E – Bạn thuộc nhóm tính cách Hướng ngoại:

Bạn có tính cách hướng ngoại trong cuộc sống và khi hướng nghiệp. Thế mạnh của bạn là luôn chứng tỏ bản lĩnh dấn thân trước mọi người. Thông thường, bạn dám đối đầu với thử thách và ít lùi bước trước khó khăn hiện hữu. Xu hướng khẳng định bản thân là chủ đích của bạn khi đối diện với thực tại. Tính hướng ngoại đó còn giúp bạn có thêm nhiều thuận lợi trong giao tiếp: rộng bang giao, dễ chia sẻ, dễ tiếp cận và hội nhập với những điều mới lạ ở nhiều nơi, không gò bó trong khuôn khổ chật hẹp… Nó cũng giúp bạn dễ thành công khi làm những công việc ở bên ngoài, ở nơi chộn rộn đông đúc, ở những tụ điểm cần phải giao tiếp rộng với số đông.

Nhưng, thế yếu của bạn lại là thiếu chiều sâu trong nhận thức và tâm thức, dễ hời hợt và nông cạn. Nội lực của bạn có bề nổi mà thiếu bề dày của trí tuệ và thiếu cả độ sâu sắc của tâm hồn. Do đó, trong hướng nghiệp và cuộc đời, bạn có thể giỏi về chiến thuật khi giải quyết việc trước mắt, mà chưa thể tinh anh và sắc sảo về tầm nhìn chiến lược nếu phải tính đến chuyện lâu dài. Chẳng những thế, do thiếu chiều sâu nên bạn ít có những tư duy trừu tượng và sáng tạo mang tính đột phá trong công việc. Làm việc theo nhóm thì hăng say, nhưng làm việc một mình thì bạn ưa nản.

Một số ngành nghề phù hợp với tính cách hướng ngoại: Thông tin, truyền thông, văn hóa, du lịch, công tác xã hội, chính trị, ngoại giao, kinh doanh, marketing, nghệ thuật biểu diễn…

Lưu ý:Nếu kết quả chỉ số Hướng nội và Hướng ngoại xấp xỉ bằng nhau thì về cơ bản, bạn có một tính cách trung hòa giữa hướng ngoại và hướng nội. Điều này cũng tốt, có khi rất tốt cho nhiều lĩnh vực trong quan hệ và việc làm.

N – Cách thức tìm hiểu và nhận thức thế giới của bạn thiên về Trực giác:

Theo chủ nghĩa nhân văn, bạn là người có một bản lĩnh thông tuệ và giàu ý thức hướng tới những giá trị cao thượng, vượt trên cái tầm thường. Tính cách hướng thượng đó đem lại cho bạn sự thanh cao trong tâm hồn và nhiều hiệu quả trong công việc. Bạn dễ dàng chấp nhận thua thiệt trước mắt để theo đuổi được cái lợi lâu dài. Với sự tôn trọng ý thức hơn bản năng, bạn thường có khuynh hướng thiên về những giá trị tinh thần hơn hưởng thụ vật chất. Trong cuộc sống và cách nhìn thế giới, bạn coi trọng nhân nghĩa hơn tiền tài, tôn trọng cả quá khứ và tương lai chứ không chỉ chú trọng đến hiện tại. Trong giao tiếp, bạn dễ kết thân với người đôn hậu, giàu lòng vị tha.

Đặc biệt, nhờ khả năng tập trung cao độ, nhờ vốn sống được tích lũy bằng tâm hồn nhân văn, nhất là nhờ năng lực tư duy chiều sâu và trí tưởng tượng phong phú, bạn dễ dàng đạt tới những đỉnh cao sáng tạo trong công việc. Ý thức sáng tạo và khả năng sáng tạo bậc cao sẽ là những điểm tựa vững chắc giúp bạn vượt qua nhiều thử thách, tạo nên nhiều cống hiến có giá trị.

Tuy nhiên, nếu không biết dung hòa giữa trực giác và ý thức, giữa cảm quan và suy nghĩ để lợi dụng thế mạnh của mỗi bên, bạn có thể bị hẫng hụt trong cách giải quyết vấn đề. Trong nhiều trường hợp, nếu không điều chỉnh kịp thời về mặt cảm xúc, bạn có thể sa vào trạng thái vô cảm hoặc cực đoan trong nhận thức và cả trong hành động. Tại đó, bạn hơi coi nhẹ những giá trị thực tế, quá đề cao những siêu giá trị về lý tưởng và tâm hồn. Cũng tại đó, bạn có phần coi thường những cảm xúc đời thường và những ý vị từ hơi thở cuộc sống. Sự sáng tạo của bạn cũng thiếu bén rễ từ đây – một suối nguồn của nhịp sống và của tư duy chiều sâu, nên ảnh hưởng không ít đến thành quả sáng tạo của chính bạn.

Một số ngành nghề, công việc phù hợp với người nhận thức thông qua trực giác: Với khả năng trực giác cao, bạn nên theo các nhóm ngành cần tính sáng tạo, tư duy phản biện ví dụ: nghiên cứu khoa học (tự nhiên, xã hội), công nghệ, các ngành nghề thuộc lĩnh vực nghệ thuật, định hướng chiến lược cho các công ty, tổ chức…

Lưu ý:Nếu kết quả các chỉ số trực giác và giác quan của bạn xấp xỉ bằng nhau thì về cơ bản, bạn có một tính cách trung hòa giữa trực giác và giác quan. Điều này cũng tương đối tốt ở mức độ bạn dễ tạo được sự cân bằng trong nhận thức, tránh chủ quan hoặc cực đoan khi đánh giá hay kiểm định một vấn đề.

T – Lý trí có tác động nhiều đến các quyết định và lựa chọn của bạn:

Bạn sống thiên về lý trí, nặng về nguyên tắc, đoan chính và cương trực, trật tự và nghiêm minh. Bạn không thích sự nới lỏng kỷ cương, càng không muốn ai vi phạm những quy ước. Bạn cũng tôn trọng tình cảm, nhưng có mức độ, càng không thể đặt tình cảm trên lý trí, không thể vì nhân nhượng tình cảm mà vượt qua nguyên tắc. Những người luôn mẫu mực và giữ đúng phép tắc trong quan hệ (cả quan hệ ứng xử và quan hệ làm việc) là bạn đồng hành chí cốt của bạn. Với bạn, người hợp tác mà không lấy lý trí làm trọng để ứng xử và làm việc thì đó là người yếu đuối, việc sẽ không thành và cuối cùng tình cảm cũng mất. Bởi vậy, đứng trước một vấn đề, bao giờ bạn cũng lấy lý trí ra để soi xét, cân nhắc hơn thiệt, sau đó mới chiếu cố đến tình cảm.

Tuy nhiên, sự nghiêm túc và tính cứng rắn của bạn nếu đi quá đà, không có sự mềm mỏng khi cần thiết, thiếu sự uyển chuyển khôn khéo để “lạt mềm buộc chặt” thì chẳng những tình cảm bị tổn thương mà công việc cũng đổ vỡ. Về mặt này, tính cách của bạn thể hiện một bản sắc xơ cứng, thiếu linh hoạt, không linh động giữa cương và nhu, giữa tình và lý, giữa kiên quyết và ôn hòa. Đây là nguyên nhân thất bại của rất nhiều trường hợp xử lý tình huống và giải quyết vấn đề từ việc nhỏ đến việc lớn. Trong hướng nghiệp và hợp tác khi hành nghề, người khôn ngoan là người biết dung hòa và kết hợp khéo léo các yêu cầu vừa nêu.

Một số ngành nghề phù hợp với người sống thiên về lý trí: Các ngành nghề kỹ thuật, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, kinh doanh…

Lưu ý:Nếu chỉ số Lý trí và Tình cảm của bạn xấp xỉ bằng nhau thì về cơ bản, bạn có một tính cách cân bằng giữa tình và lý, cương và nhu, kiên quyết và ôn hòa… Đương nhiên, điều này rất tốt trong nhiều trường hợp nhưng không phải tốt với mọi trường hợp. Vấn đề là phải cân nhắc, lựa chọn kỹ khi nào phải đặt lý lên trên, khi nào tình ở trên và khi nào phải dung hòa.

P – Linh hoạt là phong cách sống và làm việc của bạn:

Trái với người hay nguyên tắc cứng nhắc, bạn là người ưa linh hoạt uyển chuyển trong đối nhân xử thế, kể cả cách tiến hành công việc. Tại đó, không chỉ tính nhân văn đã lên đỉnh cao trong tâm hồn bạn, mà tính sáng tạo cũng lấp lánh trong trí tuệ minh mẫn của bạn. Cuộc sống và sự nghiệp luôn động, nên tính cách của bạn cũng biến chuyển theo những chiều kích đó. Vì vậy, thông thường, bạn không ưa rập khuôn. Mọi nguyên tắc đặt ra chỉ phù hợp với trạng thái tĩnh, rập khuôn và xơ cứng. Cho nên, bạn thường có tâm lý muốn thoát khỏi mọi sự gò bó và đơn điệu. Sức giải phóng cho tính sáng tạo của bạn nhờ đó mà được thăng hoa.

Bạn nhìn mỗi người và mỗi việc theo trạng thái động, rất biện chứng. Tính cách này khiến bạn độ lượng hơn, bao dung hơn, vị tha hơn. Nó cũng khiến bạn chủ động suy nghĩ tìm tòi những giải pháp (cả giải pháp tình thế lẫn giải pháp chiến lược) cho những yêu cầu cải tiến công việc, nhất là khi cần vượt qua khủng hoảng.

Tuy nhiên, bạn cũng nên biết dè chừng và cảnh giác. Bởi vì, tâm lý học nhân cách và tâm lý học sáng tạo đều cho thấy, tính linh hoạt là “con ngựa hay mà cũng là con ngựa chướng”. Nếu quá đà, tính linh hoạt sẽ biến thành “ngựa bất kham”, bạn khó làm chủ được nó, khiến nó tung tẩy phá cách, phá rào vô tội vạ, làm hỏng việc và hỏng cả hình ảnh sáng láng của bạn trước mọi người. Bởi thế, kỹ năng biết làm chủ cảm xúc, làm chủ trí tuệ, làm chủ tâm hồn trước mọi động thái linh hoạt và sáng tạo… vẫn là những bí quyết thành công của người biết thành nhân.

Một số ngành nghề phù hợp với tính cách linh hoạt: Du lịch, thông tin truyền thông, văn hóa, chính trị, ngoại giao, công tác xã hội, nghệ thuật…

Lưu ý :Nếu chỉ số Nguyên tắc và Linh hoạt của bạn xấp xỉ bằng nhau, thì về cơ bản, bạn có một khả năng điều chỉnh để đạt được sự cân bằng giữa tính linh hoạt và tính nguyên tắc. Theo đó, bạn biết tùy cơ ứng biến để khi nào thì phải thượng tôn nguyên tắc, khi nào lại cần đến sự linh hoạt, và khi nào phải vận dụng cả hai. Thông thường trong công việc, phải vận dụng kết hợp cả tính nguyên tắc và tính linh hoạt là tốt hơn cả.

Bí quyết giao tiếp với người ENTP:

– Tập trung vào những ý tưởng sáng tạo

– Nhận nhiều câu hỏi từ người này – đừng ép họ đưa ra quyết định quá nhanh

– Hãy linh hoạt và đón nhận những đề xuất cho sự phát triển về sau

© 2011 – 2012, https:. Luôn Tôn Trọng và Bảo Hộ mọi Tác Quyền như một lời cảm ơn!


Leave a Reply to hongha7280 Cancel reply

3 thoughts on “ENTP – The Visionaries – Người Nhìn Xa Trông Rộng

  • Christina Trang TJ

    Mình làm bài trắc nghiệm phần 2 thì lại cho ra kết quả là ENTP – visionaries, làm phần trắc nghiệm dạng 1 thì kết quả lần nào cũng là ENFP – inspirers. 
    Lúc đầu đọc cả 2 đều thấy đúng phát sợ @.@! 
    Nhưng đọc kỹ thì thấy kết quả trắc nghiệm phần 2 có độ chuẩn xác cao hơn. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Bởi vì cách trắc nghiệm lần 2 chia nhỏ lựa chọn kiểu % thì đương nhiên mang tính chính xác cao hơn là loại trắc nghiệm chỉ 2 lựa chọn.

  • hongha7280

    Bạn henrylongnguyen ơi cho mình hỏi: trắc nghiệm % hai lần kết quả: INFJ, với bản dịch của bạn hai lần kết quả: ENTP. Mình đọc kỹ cả hai đều có cảm nhận giống mình……vậy mình thắc mắc cái nào chính xác hơn.hi.tks vì blog rất thú vị và sâu sắc của bạn