[Suy Ngẫm] Khi Chúng Ta… Ghét Một Ai Đó!


Bài viết này mang nhiều quan điểm cá nhân đồng thời được Tag trong phần Blog. Bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định đọc tiếp hoặc sử dụng thanh Menu để đọc những bài khác vì bài viết này có thể không bổ ích hoặc mang nhiều tư tưởng ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn!

Viết trong một đêm ý tưởng bay biến đâu mất và chẳng biết phải làm gì, chợt nhớ về những điều ngẫm nghĩ được, những điều trải nghiệm được. Bổng nhiên bật cười một cách nhạt nhẽo… có khi nào mình đang là những kẻ như thế… và biết đâu sẽ đến lúc là nạn nhân!? Thành kiến – lỗi lầm và sự tha thứ… suy nghĩ thế nào khi chúng ta ghét một ai đó. Chúng ta đang trở nên như thế nào?

Có một câu chuyện tiếu lâm mà hồi nhỏ tôi thường được nghe các ông bác lớn tuổi kể, đó là chuyện về một gã bị mất một món đồ nhưng lại không biết ai là thủ phạm. Thế là gã nghi ngờ người hàng xóm đã lấy cắp nó, vì hai nhà chỉ cách nhau có cái hàng rào mỏng manh. Và thế là mọi hành động gì của ông hàng xóm trong mắt gã đều thật là đáng ngờ… và đáng ghét – đại loại như: Cái tướng hắn đứng trước sân thật đúng là cái dáng của kẻ cắp mà. Cặp mắt này đích thị là của quân đầu trộm đuôi cướp không lẩn vào đâu được. Đấy… nó lại nhìn sang nhà mình… chắc là tính trộm vặt thứ gì tiếp theo đây mà… Thứ gì rảnh rỗi gớm…cứ chiều là vác bàn cờ ra đầu ngỏ… định làm kẻ học thức, tính che mắt thiên hạ cái tính bẩn thỉu của mình đây mà. Đấy… lại tổ chức tiệc tùng… chắc toàn là tiền trộm cắp được mà có chứ gì. Lại đi quanh quẩn trong sân rồi… định chờ xem nhà mình hớ hênh thứ gì rồi lại tiện tay vác về đây mà… Đấy, đấy lại nuôi chó… đúng kẻ tiểu nhân – nghĩ ai cũng trộm cắp như hắn hay sao mà phải đề phòng. Cả con chó cũng giống chủ, sủa lên là nghe phát bực…

Gã phán xét bất cứ thói quen, hành động, lời nói nào hay mọi sinh hoạt từ nhà của ông hàng xóm và đều quy cho nó vào cái lốt đang giả tạo nhằm che dấu ý đồ bất chính, nhà hàng xóm là thứ đáng ghét cần đề phòng. Rồi đến một ngày, gã tìm thấy lại món đồ của mình mắc kẹt ở một xó xỉnh nào đó. Gã chợt thấy người hàng xóm trở nên bình thường hơn bao giờ hết. Cũng từ lúc đó gã lại nghĩ: Ờ… nhà hắn thì hắn đi quanh quẩn ở đó thì cũng đúng… cũng chẳng có liên quan gì đến mình nhỉ! Ờ… hắn có tiền… có nhiều bạn bè thì hắn tổ chức tiệc… thì cũng bình thường thật! Hắn có nuôi chó thì… cũng đâu có sao.

Cái sự ghét một ai đó vì có thành kiến từ trước nó như vậy đấy.

Tất nhiên, đó chỉ là một câu chuyện cười của thế hệ trước. Nhưng nhiều lúc tôi lại thấy xã hội của chúng ta đang ở một giai đoạn mà sự phán xét còn nghiêm trọng hơn tình huống trong câu chuyện đó. Trước tiên, nói về định kiến – định kiến khi ghét một điều gì đó làm chúng ta thường mù quáng và dĩ nhiên là không sáng suốt. Có sáng suốt không nếu chúng ta có thành kiến không tốt về một người nào đó chỉ vì hiệu ứng của số đông và những lời đồn thổi vô căn cứ? Thậm chí chúng ta dễ dàng tin khi nghe ai đó nói: “Con nhỏ đó (thằng đó)  …xyz&**%$#… bỏ mịa!”

Nếu bạn hỏi: “Thật không, mày gặp chưa… sao mày biết?”. Không chừng sẽ còn nhận được một câu trả lời chắc nịch kiểu như: “Nó có đến trường tao diễn một lần rồi… tỏ ra hòa đồng dễ thương lắm… nhưng nhìn cứ giả tạo không chịu được!!!” Dù thật tế là chuyện đó chưa từng xảy ra. Và rồi bạn cũng tin điều đó là thật…và rồi bạn cũng ghét người đó theo cái cách mà hiệu ứng xảy ra dù bạn chưa bao giờ gặp và tiếp xúc với người đó. Báo chí và hiệu ứng dư luận góp phần không nhỏ trong cách hình thành nên những làn sóng “căm ghét, soi mói và chỉ trích không thương tiếc người khác”.

Mà lắm khi chỉ trích, soi mói căm ghét cả những điều mà chính bản thân mình cũng không bao giờ làm được như họ. Thường thấy trong các bình luận đó những câu như: “Chỉ được cái khoe mẻ… chứ hát thì như bò rống… chứ có hơn gì ai” – “Ăn mặc như con điên…”. Nhiều lúc tôi thấy những đối tượng bị lên án và chỉ trích: họ thật cá tính. Bởi vì phải có cá tính họ mới chính là họ và nhiều khi đó là động lực của họ trên con đường đeo đuổi các lý tưởng. Còn nếu như để đẹp lòng tất cả mọi đối tượng thì… mới thật giả tạo.

Lady Gaga mà sinh ra ở Việt Nam chắc là bị báo chí và dư luận soi mói – ném đá không thương tiếc vì sự lập dị đến quái gở của cô và chắc chắn không bao giờ nổi tiếng được vì bị dìm hàng. Nhiều lúc mọi chuyện bị đẩy lên đến thái hóa như việc nhiều người trong chúng ta sẵn sàng bấm “Like” cho một “Hội những người…” mà nói thật chẳng có gì bổ ích khi tham gia. Có bao giờ chúng ta dừng lại và ngẫm nghĩ… chúng ta đang làm cái gì vậy? Sao chúng ta lại giống một con rối và dễ dàng bị giật dây như thế?

Tiếp theo, hãy nói về lỗi lầm và sự tha thứ.

Khi chúng ta ghét một ai đó vì họ từng lầm lỗi. Ở đây, chúng ta bỏ đi trường hợp những người làm sai mà không biết mình sai, làm lỗi mà không bao giờ nhận, biết sai mà không bao giờ sửa… hoặc vì không bao giờ cho đó là sai. Vì nó là trong một trường hợp khác và trong một đề tài khác.

Chúng ta cũng sẽ không nói về những người sai mà biết nhận sai hoặc biết sửa đổi.

Chúng ta nói về thái độ của nạn nhân do những sai lầm gây ra. Nếu chúng ta là nạn nhân của một sai lầm do ai đó gây ra, chúng ta có quyền chỉ trích, mắng nhiếc, nhục mạ, chửi bới kẻ đã gây ra những điều sai trái đến cho mình không?

Có thể chứ… tôi cũng sẽ như vậy. Tôi cũng sẽ lớn tiếng phản đối, cũng sẽ chửi thề… nhưng tôi chắc chắn chỉ trong một mức độ và trong một giới hạn nhất định nào đó. Nhưng nhiều người không như thế, và tôi cũng phải thú nhận rằng trước đây… nếu không có những phút nhìn lại chính mình chắc tôi sẽ vẫn còn đi quá xa và cay nghiệt, đay nghiến khi một ai đó gây nên lỗi lầm động chạm đến mình cho đến tận bây giờ.

Chắc là do tôi may mắn đọc được một truyện ngắn. Câu chuyện nói về hai vợ chồng nhà nọ và người đàn ông phạm một sai lầm làm tổn thương cho người vợ. Anh chồng sau một thời gian ăn năn và đối đãi với chị tốt hơn ban đầu bội phần để bù đắp cho lỗi lầm đó. Chị vợ nói rằng sẽ tha thứ nhưng kỳ thật lại gim nó trong lòng, không cần khi có chuyện cơm không lành canh không ngọt thì chị mới bơi móc quá khứ ra mà bất kể lúc nào được dịp than thở là chị cứ tuôn ra bài than vãn… sở dĩ ông ấy tốt là vì trước đây như thế… như thế chứ có phải thật lòng gì. Lâu dần nó thành thói quen, nó biến người vợ cứ mở miệng ra là chỉ có chì chiết mắng nhiếc nói lời cay độc. Và rồi người ta chỉ thấy một cô vợ chua ngoa đanh đá không coi trọng chồng chứ không hề thấy một anh chồng tệ bạc chẳng ra gì như lời chị nói.

Vậy đấy, đôi khi tôi nghĩ cái gì cũng có giới hạn của nó nhỉ? Không ai cấm chúng ta giận dữ hay phải kìm nén cảm xúc và gò từng lời nói thành hoa mỹ khi bị xúc phạm.

Nhưng cũng như trong âm nhạc vậy, ca khúc nào càng tinh tế, ca từ có thẩm mỹ, càng hàn lâm cao cấp thì càng khó tiếp cận được tầng lớp thưởng thức bình dân. Cũng giống như người càng trí thức họ càng ít chửi thề.

Việc giữ quá lâu trong mình những suy nghĩ tiêu cực cũng giống như việc bạn đang mang thuốc độc để diệt người khác mà quên rằng thứ độc đó cũng đang ngấm vào chính bản thân mình. Chẳng ai là hoàn mỹ để không mắc sai lầm, mà dù có là thánh vẫn mắc những sai lầm thôi. Bởi có sai lầm mới có dịp nhìn lại và biết mình đã đi đúng hướng hay chưa. Đừng tin vào những ai chỉ khoe mình hoàn hảo, đừng làm ăn với những kẻ nói rằng chưa bao giờ thất bại. Và cũng nên nghi ngờ trước những ai mà luôn tốt với bạn một cách không vụ lợi.

Tôi rất tâm đắc khi đọc được trên Facebook của một người bạn một Status – có lẽ là được lan truyền rất nhiều trên mạng xã hội và nhiều người cũng biết rồi. Nó khá ý nghĩa:

Chê ai đó xấu – không làm bạn đẹp hơn. 
Mắng ai đó ngu ngốc – không giúp bạn thông minh thêm.
Nhục mạ ai đó – không làm tăng giá trị của bạn. 
Gây ra nỗi đau và bất hạnh cho người khác – không có nghĩa sẽ làm bạn hạnh phúc.

Tôi tặng cho chính mình Entry này, để nhắc nhở bản thân hãy luôn cố gắng tỉnh thức và sáng suốt. Trong từng suy nghĩ – hành động và lời nói. Bởi không biết một lúc nào đó mình sẽ gây tổn thương cho người khác vì những vô tình, những phút giận quá mất khôn hay vì mù quáng và sự tha thứ chỉ trên lời nói.

Nếu được hãy luôn nhớ đến hình ảnh của Gió – sự tồn tại chỉ là vô thường – buông bỏ được thì buông bỏ. Thế giới này vận động và tồn tại trong sự cân bằng. Khi ghét một ai đó chúng ta có thể trở nên hồ đồ và đánh mất chính mình và… khi chúng ta YÊU một ai đó cũng nên nhìn từ góc độ này.

Một lần nữa, hãy luôn thận trọng, sáng suốt và cân bằng.

Henry Long Nguyen

© 2012 – 2015, https:. Luôn Tôn Trọng và Bảo Hộ mọi Tác Quyền như một lời cảm ơn!


Viết một bình luận...

30 thoughts on “[Suy Ngẫm] Khi Chúng Ta… Ghét Một Ai Đó!

  • sbisecond

    Con người và tình cảm- tất cả chỉ là ảo giác thôi mà. đừng bận tâm quá nhiều. có duyên có phận gặp nhau thì quý mến, mà không quý mến được thì thôi vậy,đằng này lại có những người tốt đẹp ko chọn lại chọn cái xấu xa, hạnh phúc ko gieo lại đi gieo bất hạnh, mình là mình chỉ cần nhận ra ở đâu có bất hạnh thì tránh xa , dây dưa với nó chỉ thêm mệt.:D… 1 chút ý kiến.

  • mailan

    Cảm ơn anh, bài viết hay lắm, em nhận thấy dường như mình cũng có chút gì đó giống với những gì anh nêu ra. Nhưng, em cũng chợt nhận ra, ghét một người thực quá dễ dàng, còn để có thể yêu một người sao mà…khó quá.

  • Lãnh Băng

    Bạn ơi, bạn có thể cho phép mình copy bài viết của bạn để bê qua blog của mình không?

    Mình rất tâm đắc với những gì bạn viết và muốn dành tặng cho mình entry này như 1 lời nhắc nhở.

    Cám ơn bạn đã viết 1 bài viết hay như vậy. Dù mình có suy nghĩ như bạn nhưng k thể nào viết ra hết 1 cách thấu đáo như vậy. Cảm ơn bạn rất nhiều.

    P/s: Mình k biết copy như thế nào cả.. Hic.. Mình có thể liên hẹ bạn qua email không? Vì mình cũng mới biết đến blog bạn 1 cách rất tình cờ 🙂

  • Nguyễn Bích Như

    Tại sao đọc một bài viết và thấu hiểu,cảm động ngay lúc đó thì rất dễ,nhưng khi đến lúc cần mang vào cuộc sống sao lại khó đến thế,và dường như khi đối mặt với khó khăn,chúng ta lại không suy nghĩ và hành động được như những suy nghĩ cao cả ấy,và khi nào chúng ta mới có thể thấu hiểu thực sự những dòng chữ đầy sức thuyết phục,cảm hoá,muôn hình vạn trạng kia và mang nó vào trong tim?Đến khi nào mới có thể?…

    Tại sao đọc một bài viết và thấu hiểu,cảm động ngay lúc đó thì rất dễ,nhưng khi đến lúc cần mang vào cuộc sống sao lại khó đến thế,và dường như khi đối mặt với khó khăn,chúng ta lại không suy nghĩ và hành động được như những suy nghĩ cao cả ấy,và khi nào chúng ta mới có thể thấu hiểu thực sự những dòng chữ đầy sức thuyết phục,cảm hoá,muôn hình vạn trạng kia và mang nó vào trong tim?Đến khi nào mới có thể?…

    Thế thì…tôi hỏi…bạn hiểu được đấy…bạn viết được đấy…nhưng chỉ là trong một khoảnh khắc nhất thời,trong lúc tâm hồn bạn phiêu diêu và đầy lý tưởng…nhưng khi đối diện với nó…bạn có thực sự thấu hiểu những điều ấy chăng?Bạn có thực hiện đúng với những lý tưởng cao đẹp ấy và tránh được sự không hoàn hảo của con người chăng?Tôi hỏi người và cũng tự hỏi chính tôi…

    • Henry Long Nguyen

      Không hiểu sao, cảm giác trong tôi khi đọc comment của bạn tôi lại liên tưởng đến hình ảnh đối lập giữa các vận động viên và nghệ sĩ chứ không phải một lời bình luận thông thường như chính bạn kết luận: “Tôi hỏi người và cũng tự hỏi chính tôi”.

      Tôi tin – Có nhiều người cho rằng “ném đá” cũng là 1 môn nghệ thuật – và có khi người ném đá cũng ném 1 cách đầy tinh tế. Dù sao thì cũng tốt hơn là ném mạnh bạo và thô thiển, ném đá 1 cách tinh tế thì có thể giấu nó dưới cái vỏ lời khuyên, lời góp ý, hỏi gần hỏi xa, bóng gió, khen mà thật ra là không khen. Có lẽ đó chỉ là cảm giác trong tôi và nếu có thật là bạn đang ném đá như một nghệ sĩ thì cứ yên tâm là tôi chẳng để tâm và chấp với phụ nữ đâu.

      Còn để comment trả lời theo kiểu thông thường thì tôi sẽ chia vấn đề mà bạn hỏi để dễ dàng xét từng khía cạnh.
      1/ Nếu tôi có viết gì, khiến bạn không hài lòng hay bạn từng gặp tôi từng nói chuyện trực tiếp với tôi mà lời lẽ và hành động của tôi khiên bạn không hài lòng và khó chịu. Nếu trước đây tôi từng gây nên lỗi lầm với bạn một cách trực tiếp. Bạn vui lòng cho tôi biết đó là trong trường hợp nào, và ở đâu – phòng khi tôi quên vì không nhớ. Tôi phải rào đón như vậy vì nếu như bạn “có ý” không thích tôi -vì-do-xuất-phát-từ-một-nguyên-nhân-gián-tiếp như nghe từ 1 ai đó đồn đãi hoặc 1 vài bài viết nào đó của tôi vô tình động chạm đến sở thích, lý tưởng, ý nguyện nào đó của bạn thì bạn cũng vui lòng cho tôi được biết nhé. Tôi phải nói như thế bởi rất nhiều người ghét tôi vì tưởng rằng tôi quá rảnh rảnh rỗi nên sinh nông nỗi đi làm thầy đời. Mà kỳ thực tôi viết Blog là cho tôi đọc là chính. Đúng như tiêu chí ban đầu nếu như bạn có tìm hiểu ngay trên đầu blog này – bài viết phần About Blog: https://henrylongnguyen.com/gioi-thieu-ve-blog-heavenly-wind-gio-thien-duong.html Trong đó, tôi đã nhấn mạnh việc tôi viết blog là lý do gì, cho ai đọc – và ai là người có thể đọc. Tôi không mời gọi, lôi kéo người ta vào đọc Blog mình mà để Duyên tự đến tự đi.Bạn nên nhớ trong bất kỳ bài viết nào, tôi không thuyết phục, cảm hóa ai cả, mỗi người đều đã lớn – không phải trẻ con mà tôi cũng không phải cao tăng đắc đạo hay hàng thánh nhân để có thể cảm hóa chúng sanh. Và nếu nói riêng bài viết này – chính tôi cũng đã nói là dành tặng riêng mình. Và bản thân tôi như thế nào, tự tôi hiểu rõ – không cần người khác quan tâm đánh giá nó tốt hay xấu. Bởi có tốt hay xấu họ cũng chẳng giúp gì được cho tôi – ngoài 1 sự thật chính tôi hoàn toàn phải tự giúp mình. Tôi không sống vì lời khen chê của người khác, tôi sống vì sở thích của mình, và làm điều mình thích… vậy nên bạn có khen tôi 1 ngày thì tôi cũng chẳng no thêm 1 ngày mà chê trách tôi cả đời thì cũng không tổn hại gì đến cuộc sống tôi thêm 1 giây. Sống vì dư luận là thừa thải. Tôi ghi nhận sự đồng cảm, và bỏ ngoài tai thị phi với mình.Cho nên nếu bạn hỏi: “Đến khi nào mới có thể?” Nó không bao giờ là câu hỏi có câu trả lời nếu bản thân bạn không tự biết “bắt đầu ngay bây giờ”.2/ Nếu bạn cho là tôi nói, tôi viết trong lúc tâm hồn phiêu diêu và đầy lý tưởng thì xin lỗi trước… bạn thật sự chẳng hiểu bài viết mà bạn đã cất công comment có ý nghĩa gì, và càng chứng minh 1 điều – bạn chưa quen tôi và chưa từng gặp tôi. tôi chắc chắn điều đó. Bởi nếu bạn hiểu ngôn từ mà tôi sử dụng, bạn sẽ thấy nó không là sự hoa mỹ – vì bản tính của tôi là đi đến gốc của sự thật. Nên trong bài viết – tôi có dùng từ “tỉnh thức”. Và nếu bạn đủ Duyên để hiểu 2 từ “tỉnh thức” thì đã không nói: “đó-là-trong-khoảnh-khắc-nhất-thời”. Và nếu như “tỉnh thức” là từ quá xa lạ thì bạn nên đọc lại trong từ điển tiếng Việt giải thích của từ “thận trọng” trong câu cuối cùng… để khỏi phải đắn đo thắc mắc tôi – bạn có thể thực hiện lý tưởng đó 1 cách hoàn hảo.Mà xin lỗi 1 lần nữa, Tôi không hướng đến sự hoàn hảo. Tôi chỉ cố gắng sống không phải va chạm quá nhiều với xung đột mà thôi.Cuối cùng, toàn bộ Comment của bạn chỉ có 1 vấn đề mà tôi đã nhắc đến trong phần hồi đáp của mình – đó là: “Đến khi nào mới có thể – tôi hỏi người và hỏi chính tôi?” Và tôi cũng trả lời rồi. Có nhiều người không hành động, suốt đời chỉ đứng trông chờ điều kỳ diệu mà quên rằng câu trả lời là từ chính họ. Nó giống như trong 1 câu chuyện ngụ ngôn về 1 anh chàng sợ nước muốn học bơi, cứ bảo người thầy dạy anh ta cách bơi đi mà không chịu xuống nước. Thế là cứ học đến 1 năm sau vẫn không biết bơi.Bởi lẽ, anh ta ghét phải đến những nơi ẩm ướt để rồi cực đoan đến mức sợ nước. Nhìn thấy nước là thấy nguy hiểm. Thế nên hoài nghi là tốt, nhưng hoài nghi theo kiểu nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy dối trá thì nên xem lại chính mình. Để rồi đừng bao giờ phải hỏi: “Đến bao giờ thì ta biết bơi?” Cách giải quyết quá đơn giản – cứ xuống nước – cứ thực hành thôi – đừng mãi trên bờ nhìn rồi tự hỏi và hoài nghi. Hoài nghi người thì không nói – hoài nghi chính bản thân mình mới khổ.

      • Nam An

        So so so sorry!Đây là nick của bạn em,em lỡ comment khi đang mượn máy tính của nó(em là Nguyễn Bích Như đây ạ)!À,và anh ơi,em chưa từng “gặp anh ở ngoài đời và anh cũng chưa từng “đắc tội” với em.Nhưng phải phải nói thiệt là em há hốc mồm từ A tới Z khi đọc cái bình luận của anh đó! ^O^ 

        Anh à,em không ngờ là anh suy nghĩ còn bay bổng và nhiều tưởng tượng hơn em nữa đấy :)!Ném đá là một nghệ thuật cơ đấy!Em không có ý ném đá,trời ạ!!!!Ý em là,có những lúc,chúng ta suy nghĩ như một triết gia,nhưng khi đối diện vấn đề ở ngoài đời thực,đôi khi chúng ta lại rất nhỏ mọn và cũng bình thường như bao người khác,cũng như ý anh ở bài viết trên,đôi lúc chúng ta cay nghiệt và đi quá xa trong việc ghét bỏ,chửi mắng người khác!

        Em đang tán thành và cảm nhận bài viết của anh đấy!Haizzz,nhưng khi em viết câu comment trên,em buồn vì tại sao chúng ta không tự làm chủ được những suy nghĩ,tình cảm và hành động của mình như trên và cố gắng suy ghĩ không theo định kiến khi đối diện với vấn đề mà đôi khi chúng ta vẫn bị định kiến chi phối?

        Em thật sự rất buồn,suy nghĩ được nhưng không làm được,em tự hỏi có mấy ai cũng giống em?Điều đó thật sự chẳng phải rất buồn hay sao,khi chúng ta vô tình hành động khác với những lí tưởng chúng ta luôn theo đuổi?Đó là cái ý nghĩa của câu”Tôi tự hỏi người và cũng tự hỏi chính mình”đấy ông anh! ^____^

      • Henry Long Nguyen

        Những gì cần thiết anh đều đã nói, đã rào đón ở comment trên. Và Comment đó cũng chia 2 phần hẳn hòi, phần 1 để nói nếu như em thật sự có ý không thích anh. Còn phần 2 để trả lời cho những suy nghĩ của chính em.

        Nếu do anh lầm thì em có thể bỏ qua phần 1 – có 1 điều anh tin rằng mình cần phải nhắc em là có nhiều khi em không có ý ném đá ai – nhưng lời lẽ của mình khi sử dụng thì có – chính vì vậy cần chú ý. Vì anh thường hay đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận. Và nếu em đặt ra 1 tình huống tương tự, người bạn thân của em nói  1 vấn đề nào đó, dù em có đồng tình hay không – người đó không biết… nhưng em thử dùng nguyên văn cái câu em đã hỏi anh để hòi người bạn đó: “Thế thì… tôi hỏi bạn… bạn hiểu được đó, viết được đó nhưng đó chỉ là trong khoảnh khắc nhất thời… khi đối diện thực tế… có làm được chăng?” – Nếu em không tin, em có thể kiếm chứng thực tế với người quen biết và hỏi họ về phản ứng sau câu nói ấy. Và như anh đã nói, nếu em có ý ném đá ai đó thì nó hẳn cũng rất tinh tế… khó mà nhận ra. Mà với anh thì đó cũng là điều đáng khen – vì không phải ai cũng biết ném đá như 1 nghệ sĩ – lời thật lòng đấy. Không phải ngẫu nhiên mà đạt được đẳng cấp đó: chửi có văn hóa rõ ràng là 1 nghệ thuật.

        Và vì anh nhìn từ quan điểm của người khác nên trong phần 2 – anh nhận ra em mắc 1 yếu tố tâm lý: đó là hoang mang và hoài nghi. Nên anh cũng đã trả lời theo quan điểm khác. Đó là phân tích điểm yếu của em. Câu chuyện ngụ ngôn anh kể, có 2 điều – 1 là đừng hỏi – hãy bắt tay làm ngay – mãi ựt hỏi sẽ không bao giờ có kết quả. Điều thứ 2 là sự hoài nghi – mình không làm được – đừng nghĩ sẽ không có người làm được. Và sự hoài nghi trong em quá nhiều, nên sống thì phải có niềm tin – anh cũng không kêu gọi ai đó tin tưởng mù quáng vào 1 điều gì đó. Niềm tin phải có cơ sở và lập trường. Nếu em chỉ mang theo sự hoài nghi để làm hành trang sống thì em rõ là còn thiếu xót rất nhiều.

  • An Huynh

    Cuộc sống và con người là vậy. Đôi khi dễ dàng nghe và hành động theo một ai đó mà không biết chính mình đang làm gì, con người thật của mình là ai. Chúng ta cứ hành động theo số đông như một con rối mà chẳng biết rằng điều đó sẽ khiến ta mất dần những bản năng vốn có để rồi trong xã hội này, mỗi người ngày càng trở nên mờ nhạt và chỉ còn là một cái bóng nhợt nhạt như chính con người mình vậy.

  • Hằng Nhí

    bài viết của em khiến em thấy nhẹ long nhất trong lúc em đang rất cần 1 lời khuyên. Cám ơn anh, em mong rằng anh còn nhiều bài viết như thế này.