[Truyện Ngắn] Bản Nhạc Cho Ngày Nắng Ấm


Tôi hay viết về tình yêu, nhưng tình cảm gợi cho tôi nhiều ý tưởng, nhiều cảm xúc nhất chính là tình thân. Đấy là tình cảm mà hầu như ai cũng gắn bó từ thuở mới chào đời, khó chia cắt, không có các lên xuống cung bậc cảm xúc, không có hiểu lầm, không có những trò thử tim…, nên khó để chuyển tải một cách khác biệt, tạo “dấu ấn”. Càng khó thì tôi càng ham. Bản Nhạc Cho Ngày Nắng Ấm là truyện đầu tiên tôi đặt tình thân làm mạch chủ đạo và đã tốn rất nhiều thời gian để thổi hồn vào nó.

Một cái kết buồn, nhưng lại thắp vào lòng người một ngọn lửa ấm áp. – Đấy chính là tham vọng của tôi cùng với Bản Nhạc Cho Ngày Nắng Ấm.

PLOY

Nỗi buồn thường không sống dai.

Ra đi.

Có một khung cửa sổ trắng vuông vắn cắt đôi thế giới: bên ngoài là trời xanh óng ả, bên trong là phòng bệnh trắng toát. Khoa, anh trai Thi Thi, đang nửa nằm nửa ngồi trên giường bệnh, mắt lơ đãng nhìn những tàng lá xanh lấp lánh ngoài cửa sổ.

Thi Thi ngồi bên giường bệnh, trút hết tâm can vào việc gọt cam. Để không phải chú ý đến những cái hít thở đang mất dần sức lực của mình trong căn buồng đặc sệt không khí. Vậy mà con dao vẫn lia không ngọt. Vỏ cam không kéo dài thành sợi dây, mà cứ đứt đoạn ra từng miếng nhỏ vụn. Gọt xong vỏ, cô  cắt quả cam thành tám miếng nhỏ, rồi lóc sạch hạt. Rồi mỗi miếng nhỏ, cô lại cắt thành ba miếng nhỏ hơn. Công đoạn y hệt như thế với quả thứ hai, thứ ba, thứ tư. Cô trút những miếng cam nát bấy nhoe nhoét nước ấy vào một cái đĩa lớn, đưa ra trước mặt Khoa. Mắt anh vô cảm hướng xuống, rồi lại quay về phía cửa sổ. 

– Thi Thi, nắng ngoài kia thật đẹp. Anh chết rồi, em nhớ mỗi lần ngắm nắng, hãy ngắm cả phần anh nữa.

– Anh thôi đi. Nói những câu như thế không lo em khóc à?!

– Thi Thi, anh sẽ viết một bản nhạc về nắng. Khi nào đàn nó, hãy nhớ là anh đã viết trên giường bệnh nhé.

– ANH!

Thi Thi bực bội ra khỏi phòng. Anh cô 1% hy vọng sống cũng chẳng có để mà bấu víu. Y học đầu hàng. Anh chỉ còn có thể ngày ngày nằm trên giường bệnh ngắm một khung trời nho nhỏ mang hình cửa sổ, cố gắng trò chuyện và để lại thật nhiều kỷ niệm cho người thân. Ai vào thăm cũng chặc lưỡi xót xa vì anh còn quá trẻ. Rồi họ xoa đầu cô, ôm lấy cô thổn thức, đồng cảm. Nhưng với cô, anh chết đi không đáng sợ. Chỉ có suy nghĩ về những ngày không còn anh mới thật đáng sợ.

Đứng ngoài một lúc, Thi Thi lại đẩy cửa bước vào, thấy Khoa đang hí hoáy với cuốn tập nhạc. Cô tựa vào thành cửa, im lặng ngắm anh sáng tác. Cảm giác yên bình này, có thể sẽ là lần cuối. Được khoảng hơn tiếng, anh dừng bút, mắt lại dõi về phía cửa sổ.

– Anh nghĩ xem sau khi anh đi rồi, ai sẽ là người bi thương nhất?

– Không ai cả.

– Thế còn Quyên?

– Cô ấy không. Cô ấy sẽ buồn, nhớ, khóc, sẽ gầy xọp đi. Nhưng không bi thương. Con người đi tìm hạnh phúc. Chẳng ai kiên trì nhấn chìm mình trong những chuyện buồn.

– Thế còn em?

Khoa không trả lời.

Đúng một tuần sau thì anh qua đời. Lúc thu dọn đồ đạc của anh, Thi Thi thấy bản nhạc đang viết dở hôm ấy, được đề “Tặng em, Quyên”. Các nốt nhạc xiêu vẹo – sức lực cuối cùng của những ngón tay nhạc sĩ tài hoa.

3 chiếc CD

Hai tháng và mười chín ngày sau hôm Khoa mất là sinh nhật Quyên, bạn gái anh. Sáng không có tin nhắn chúc mừng. Trưa không có 22 cành hồng. Chiều không có bánh kem. Nhưng tối có quà: một chiếc hộp màu xanh ngọc quấn nơ trắng gửi từ Thi Thi, em gái Khoa. Cô ấy đã theo cha sang Nhật ngay sau đám tang.

Thi Thi là một người gây nên sự ngỡ ngàng, vì cái cách mà cô đẹp. Không chỉ ở gương mặt. Không chỉ ở dáng hình. Nói, cười, cử động – Mọi thứ thuộc về cô đều rất đẹp. Một vẻ đẹp bật ra từ cốt cách. Một vẻ đẹp thanh tao thoát tục, vậy mà lạ kỳ thay, lại khiến cho người nhìn bất an.

Mỗi khi ở gần Thi Thi, Quyên cảm thấy tựa hồ như có một bàn tay điềm nhiên và từ tốn bóp lấy mình. Khiến cô run rẩy nhất là đôi mắt. Đôi mắt Thi Thi trong vắt, nhưng lại lấp ló sự tồn tại của một lưỡi dao găm. Đôi mắt luôn thường trực ánh nhìn “chị là ai?” nghi ngờ và khiêu khích. Cái ánh nhìn rút mất dần niềm tự tin trong Quyên, nhưng lại như một thứ thuốc phiện, biết là hại mà cô vẫn cứ tìm cách chạm vào. Và mỗi lần cô lén tìm ánh mắt của Thi Thi thì nó đã ở đó từ rất lâu, bấu chặt vào cô. 

Thi Thi là một người gây nên sự ngỡ ngàng, vì cái cách mà cô đàn. Những nốt nhạc đẹp đẽ hoàn hảo, nhưng không khiến lòng người nức nở xúc động, mà run rẩy bất an. Những nốt nhạc thốt ra có quyền năng tung người nghe lửng lơ vào một khoảng không vô chừng. Khoan khoái rơi, nhưng lòng cứ nơm nớp vì mãi chẳng chạm được đến đáy. Những nốt nhạc lẳng lặng siết lấy tâm hồn con người, đến khi bản nhạc chấm dứt thì sinh lực sống trong nhất thời cũng trở nên cạn kiệt. Quyên chưa bao giờ nghe Thi Thi đàn những tấu khúc an hòa, vui vẻ.

Thi Thi gửi cho Quyên một bản nhạc viết bằng bút chì và một đĩa nhạc. Nước mắt Quyên tuôn như mưa rào ngày hạ khi nhìn thấy nét chữ gầy và nghiêng của Khoa – “Tặng em, Quyên”. Đến lúc bật đĩa lên thì mọi chuyện càng tồi tệ. Là Thi Thi đàn bản nhạc gửi kèm. Quyên nhấn chìm bản thân trong nước mắt. Tay chân tê liệt. Chỉ có đôi tai là vồ vập lấy những nốt nhạc.

Từng nốt nhạc như nắm lấy những búi mạch máu trong Quyên mà bứt. Chất sống trong cô từ từ tan đi, nhưng bên ngoài thì vẫn tươi tắn và lành lặn. Những giấc mơ với Khoa, những hạnh phúc từng có, chúng dồn dập xuất hiện. Cuộc đời cô, vui bỗng chốc hóa buồn. Cô cảm thấy mình bất hạnh. Cô cảm thấy mình đang oán hận, mà lại không biết oán hận ai, oán hận cái gì. Cô cứ thế vỡ òa trong nước mắt cho hết ngày sinh nhật.

Đúng một năm sau.

Thi Thi lại gửi cho Quyên một đĩa nhạc. Vẫn bản nhạc Khoa viết. Quyên ngồi ôm gối, tựa vào một góc giường lắng nghe, bên cạnh để sẵn một hộp khăn giấy. Cô biết rằng mình sẽ lại nức nở, nhưng không thể cưỡng lại một giọng nói thầm bên tai “Nghe đi”.

Chiếc đĩa được tua đi tua lại nhiều lần, những dòng nước mắt khô đi và ít dần. Cảm xúc của Quyên, nếu hình tượng hóa… Khoa như trái bóng bay. Còn cô là đứa trẻ bất cẩn – tay đang cầm trái bóng bay mà để sợi dây vuột mất. Khi ngước mắt nhìn theo quả bóng dần cao và dần xa, đứa trẻ hụt hẫng nhưng buộc phải chấp nhận.

Lại đúng một năm sau.

Thêm một chiếc đĩa nhạc. Quyên biết sau khi nghe thì tâm trạng mình sẽ chơi vơi. Nhưng vẫn là cái giọng thì thầm bên tai “Nghe đi”.

Quyên tắt hết đèn, đắm chìm trong bóng tối và giai điệu cũ. Tiếng đàn vừa vang lên, cô lập tức thấy mình xuất hiện trong một chiều không gian khác. Bao quanh cô lấp lánh những bong bóng xà phòng: căng tròn, nhiều màu và đang thi nhau nổ lốp bốp. Mỗi chiếc bong bóng là một giây phút bên Khoa. Rất nhiều nhưng lại đang dần dần bị loại bỏ. Sờ lên mắt, cô thấy mắt mình khô rang. Sờ lên môi, cô không còn cảm nhận hơi ấm của cái hôn xưa. Tay sờ tay, bàn tay hơi âm ẩm mồ hôi của Khoa cũng không còn chút dấu vết nào trên tay cô. Chỉ còn giai điệu Khoa viết đang vang bên tai, làm cô thấy lòng vắng vẻ ghê gớm. Thi Thi, vì sao mỗi năm lại cần mẫn đàn bản nhạc này cho cô?

Gặp lại.

Cái ngày Thi Thi biết đến sự hiện diện của Quyên trong cuộc sống Khoa và kéo theo đó là cuộc sống của cô, cảm giác trong cô còn cao hơn cả sự ghét. Nhìn là thấy khó chịu. Nhớ đến là không hài lòng. Nhưng thâm tâm lại thôi thúc rằng bằng mọi giá cô phải giữ Quyên ở bên cạnh. Tựa một mỹ nhân giữ một con hầu xấu xí để ngày ngày khẳng định nhan sắc của mình. Tựa một mụ dì ghẻ độc ác, sau khi chồng chết vẫn giữ bên cạnh đứa con riêng của chồng để ngày ngày hành hạ, trút lên những cơn nóng giận, ghen ghét.   

Thi Thi đã luôn tìm cớ để ở cạnh Quyên, dù những lúc ấy giữa hai người là lặng như tờ. Mua sắm, cà phê, pinic cuối tuần… Quyên ngày thường duyên dáng và khéo léo, nhưng bên cạnh Thi Thi lại khép nép và co quắp. Điều đó khiến Thi Thi vui. Cô thích hành hạ tinh thần Quyên, như một cách đòi công bằng cho anh mình, bởi bất kể nhìn họ chăm sóc nhau, nói cười, hay giận hờn, cô luôn cảm nhận rõ ràng là Khoa yêu Quyên đầy hơn. Một cô gái phải dâng tặng Khoa tình yêu to lớn thế nào mới khiến cô thỏa mãn? – Chính Thi Thi cũng mơ hồ về câu trả lời. Nhưng cô khẳng định một điều là tình cảm của Quyên không đủ. Anh cô xứng đáng nhận nhiều hơn thế.

Sau khi Khoa mất, Thi Thi không liên lạc với Quyên, chỉ đều đặn hàng năm gửi một cái đĩa nhạc vào ngày sinh nhật. Nhưng mọi tin tức về Quyên, bằng cách này cách khác, Thi Thi luôn biết: Quyên đã tốt nghiệp đại học, trở thành trợ giảng cho trường. Và hiện Quyên đang hẹn hò với huấn luyện viên đội bóng rổ.

Đang ở năm thứ hai đại học, Thi Thi bỏ về nước, chuyển vào đúng ngôi trường Quyên dạy.

Trên đời này, gì là quý nhất? Với Thi Thi, là anh trai.

Mẹ mất khi sinh cô. Vừa chào đời thì số lượng người mà cô có thể yêu thương đã giảm đi một. Ngày còn bé, khi cô hỏi về mẹ thì cha hay né tránh. Ông thay thế câu trả lời bằng việc chỉ đến anh cô, bảo rằng anh trai là món quà mẹ tặng, bảo rằng chỉ có hai người là chất sống hữu hình duy nhất còn lại của mẹ trên thế giới này.

Khi lớn hơn một chút, có một lần cha nói với cô về sự chết. Ông quan niệm cái chết là một sự thật. Con người ai rồi cũng mất đi. Đến một ngày nào đó, cha cũng sẽ không còn. Lúc ấy, có anh có em trên đời thì sẽ không cô độc. Cô sẽ yêu, sẽ lập gia đình, sẽ thành thân thuộc với nhiều người khác. Nhưng anh trai là người duy nhất mà cô sẽ yêu thương vô điều kiện, yêu thương bất kể anh là người như thế nào và sẽ trở thành người như thế nào. Thi Thi, như thế đã lớn lên với tình cảm dành cho anh trai như dành cho một bảo vật: nâng niu và bảo vệ.

Những ngày Khoa trong bệnh viện, nắm chặt tay anh khi anh ngủ, Thi Thi chỉ muốn buông ra. Cô rất sợ bàn tay đang ấm áp sẽ đột ngột chuyển hơi lạnh của sự chết sang tay cô. Sau khi anh mất, trong một thời gian dài, cô mơ đi mơ lại một giấc mơ: cô bước đi trên một con đường vắng, bước tới không có người, quay trái quay phải cũng không có người, đằng sau cũng không có người; rồi cô bước hụt một cái… Lúc nào cũng vậy, mơ đến thế là cô giật mình tỉnh dậy. Phát hiện ra chỉ là mơ, nhưng nhận ra là từ nay mình quả thật phải bước một mình.

Một thời gian sau, khi giấc mơ ấy thôi xuất hiện, Thi Thi hay bắt gặp mình so sánh: Quyên như một nốt lỗi trong bản nhạc rất trơn tru của Khoa, rồi từ chỗ cái nốt ấy, bản nhạc trở thành hỏng bét. Mỉa mai là anh cô lại yêu thương cái nốt nhạc méo mó ấy vô cùng. Rồi cô nghĩ… Tình yêu cao hơn hơi thở và nhịp đập trái tim, nó không ngừng hoạt động theo thể xác. Khoa chết, nhưng tình yêu anh dành cho Quyên vẫn sống. Cô sẽ thay anh nâng niu và bảo vệ tình yêu ấy. Cô sẽ gửi anh đến bên Quyên trong ngày sinh nhật hàng năm. Cô sẽ khiến cái ngày vui vẻ nhất ấy của Quyên chỉ đầy mỗi hình ảnh Khoa. Cô sẽ… Quyên sẽ phải khóc và chơi vơi như chính cô trong ngày sinh nhật của mình.

Những bản nhạc Khoa viết luôn chỉ dành cho cô, nhưng tại sao bản nhạc cuối cùng lại là cho Quyên? – Đã nhiều năm trôi qua, Thi Thi vẫn thường tự hỏi câu này. Vĩnh viễn không có lời giải thích. Chỉ có buồn bã và một niềm đố kị kín đáo đáp trả.

Trường rộng lớn nhưng Quyên thì không khó tìm. Cô luôn nổi bật, dù là từ rất xa. Tóc ngắn nhuộm nâu và luôn mang một đôi bốt màu nâu, cao quá cổ chân một chút. Quyên vẫn như xưa, hiện đại và lạ.

Trong hơn một tháng, Thi Thi kín đáo quan sát Quyên. Quyên chưa biết là cô “em chồng hụt” đã xuất hiện rất gần. Nhưng nhiều lúc, khi Thi Thi đang dán mắt nhìn Quyên thì cô quay qua quay lại như tìm kiếm một ai đó. Có thể Quyên đã cảm nhận được ánh mắt lạ bấu vào mình.

Một ngày đầu tháng 11, khi đi ngang một phòng học trống, Thi Thi thấy Quyên đang loay hoay với xấp tài liệu. Cô đứng lại trước cửa, ánh mắt xoáy chặt vào lưng Quyên. Được một lát, Quyên dừng tay, người cứng lại. Cảnh tượng giống hệt trong phim kinh dị, khi một nhân vật hiền được trực giác mách bảo rằng có kẻ ác đằng sau. Gương mặt Quyên thoáng nét hoảng hốt, khi quay lại thấy Thi. Thi mỉm cười, gật đầu chào một cái rồi bỏ đi. Quyên không đuổi theo. Có thể Quyên cho Thi là ảo ảnh. Hay có thể, cô không muốn gặp Thi đến mức chẳng dám chạy theo để khẳng định.

Sau lần đó, Thi xuất hiện gần Quyên nhiều hơn. Nếu có dịp đi ngược chiều, cô luôn chủ động để ánh mắt mình đâm thẳng vào mắt Quyên. Từ ngày xưa, cô biết Quyên luôn run rẩy vì cái nhìn đó nhưng vẫn nhẫn nhịn.

Đêm dạ tiệc cuối năm của trường. Quyên tới dự cùng anh huấn luyện viên đội bóng rổ. Thi đến một mình. Bánh ngọt, rượu thơm, nến, chúc tụng, khiêu vũ… Khi niềm vui của mọi người đang ngập tràn, đang dâng lên đỉnh điểm thì Thi ngồi vào đàn dương cầm, bắt đầu dạo khúc nhạc cuối cùng của anh trai mình. Những ngón tay cô miết sát trên các phím đàn, đầu ngón tay trắng bệch. Cô chưa bao giờ đàn giai điệu này với tấm lòng của một nghệ sĩ. Không có cảm thụ, không có phiêu diêu. Cô đàn bằng lý trí, với một sự chú tâm cao độ, với một mục đích: buộc Quyên quay quắt về anh mình.

Ngón tay Thi, lần này đem theo phẫn uất, căm giận, thất vọng và vô lý thay, len lói cả cảm giác muốn buông xuôi, cứ thế cào trên những phím đàn. Khán phòng đậm đặc một giai điệu thanh nhã nhưng ngột ngạt.

Bản nhạc kết thúc thì đã không thấy Quyên đâu. Thi chạy khắp các hành lang, tầng trên, tầng dưới, khắp các phòng học trống. Cô vòng trở lại khán phòng. Rồi cô lại chạy băng ra hành lang. Cứ chạy như thế, cho đến khi cô tìm thấy Quyên đang quỳ tựa vào một thành ban công, hai tay bấu chặt thanh sắt lan can, đầu gác vào mu bàn tay, khóc từng tiếng lớn. Không như cô tưởng tượng. Cô đã vừa chạy tìm, vừa hình dung ra Quyên dựa vào một góc tường, nước mắt lặng lẽ chảy dài vì nhớ nhung vô vọng, vì ao ước anh cô ở đây lúc này. Nhưng cái cách mà Quyên khóc lại là của một người đang bị ức hiếp mà bất lực không thể chống trả.

Nhìn những giọt nước mắt của Quyên, bàn tay Thi bất giác nắm lại. Đột ngột, một hơi khí lạnh ngắt luồn qua những kẽ hở của nắm tay. Lạnh tựa như một cái cán dao. Cô cảm thấy mình đang cầm hờ hững một con dao rất sắc. Nếu chỉ một chút bất cẩn, cô e sẽ tự làm xây sát mình bằng lưỡi dao ấy. Cô nhìn người Quyên rung lên vì khóc thêm một lần nữa, rồi quay gót về khán phòng.

Hai ngày sau, Thi lặng lẽ về Nhật. Từ đó, cô không còn liên lạc hay dò hỏi tin tức của Quyên.

Mùa xuân của nhiều năm sau…

Thi đứng hửng trong nắng hồng. Ngửa mặt lên, cô nhíu mắt nhìn chằm chặp Mặt Trời – nguồn của nắng. Cô đang ngắm nắng cho cả phần anh mình, nên phải tìm nơi nắng thật dồi dào.

Rời nắng, Thi vào nhà, bước đến cây dương cầm cạnh cửa sổ. Những ngón tay cô nằm im trên phím đàn, mắt ngắm cành anh đào chi chít hoa xuyên ngang cửa sổ. Nhìn những cánh anh đào tíu tít trong nắng, lòng cô xuất hiện một niềm tin mới: Khoa biết đâu là đã hóa thành thiên thần nắng sống hạnh phúc bên mẹ ở một nơi cao trên thiên đường. Rời xa cô và cha, chắc chắn anh đã buồn nhưng rồi cũng đi tìm một cuộc sống vui vẻ khác.

Những ngón tay cô bắt đầu lả lướt. Bản nhạc cuối cùng của Khoa. Những nốt nhạc nối nhau như một chuỗi các viên nắng thủy tinh lấp lánh xoay vòng, vang lên những tiếng vui tai. Là bản nhạc được viết trong một ngày nắng ấm. Là bản nhạc cho những ngày nắng ấm. Là lần đầu tiên cô đàn với sự yên ổn trong lòng. Là lần đầu tiên Quyên không tồn tại trong tiếng đàn của cô.

Thi đối với Quyên đến bây giờ vẫn là cảm giác muốn làm một điều gì đó thật ác, nhưng lại đã hết kiên trì để theo đuổi cái cảm giác ấy. Những giọt nước mắt của Quyên không khiến cô tội nghiệp, nhưng cũng chẳng thấy thỏa mãn. Chỉ thấy nặng nề và khó chịu. Chỉ thấy sợ và bất an. Chỉ thấy mù mịt, chẳng biết phải làm gì tiếp sau để giày vò Quyên, mà không nhận chìm bản thân trong mệt mỏi và rã rời?

“Bản năng của con người là đi tìm hạnh phúc. Chẳng ai kiên trì nhấn chìm mình trong những chuyện buồn”– Những lời của Khoa vang lên theo tiếng nhạc. Thi nhẹ cười, tay vẫn đàn và mắt hướng nhìn những cánh anh đào hấp háy trong nắng. Chuyện xưa lấp lóa, lấp lóa tan vào nắng…

PLOY


“Bản năng của con người là đi tìm hạnh phúc. Chẳng ai kiên trì nhấn chìm mình trong những chuyện buồn”

Tôi bị cuốn hút vào câu trích dẫn đó và bỏ thời gian để tìm hiểu một trong những truyện ngắn của PLOY. Thú thật nếu không tìm hiểu tâm ý tác giả trước khi đọc, tôi có lẽ đã có cảm giác tiếc cho truyện ngắn này… và tôi có phần an ủi khi tìm ra phiên bản được phát hành sách – có thể cho là bản chính thức của truyện, bởi tác giả đã chỉnh sửa nhiều câu chữ và ý đồ so với phiên bản đầu tiên – đây cũng là phiên bản mà bạn đã đọc ở Blog này.

Có những người thích hành hạ người khác, mà chẳng biết rằng họ đang hành hạ chính con tim mình. Có một đoạn trích của truyện trên mạng nhưng tôi tin không phải là của tác giả – đoạn trích như thế này (Trong đoạn trích tôi đã lượt bỏ 1 số câu thừa):

Có những người nghĩ mình có quyền khơi lại những nỗi đau của người khác, cố tình chọc sâu vào nỗi đau ấy… Có nhớ hay không hãy để người trong cuộc quyết định.

Tình yêu đầu tiên của tôi không đẹp, không yên ả, không ngọt ngào mà rất đắng… Sau khi bình tĩnh, chấp nhận những gì đang xảy ra. Tôi quyết định quên! Nhưng người ta lại nghĩ họ có quyền bắt tôi phải nhớ lại, tôi phải vật vã, phải đau đớn từng ngày vì những mảnh vỡ còn sót lại của tình yêu ấy…

Họ làm mọi cách xen vào cuộc sống của tôi, làm mọi cách khơi gợi lại cái quá khứ ấy mong cho tôi khóc lần nữa… Vì họ sợ tôi quên họ nên họ vẫn cố chọc khuấy vào cuộc sống của tôi. Nhưng toan tính vẫn là toan tính vì đơn giản tôi đã quên! Đã biết sống cho riêng mình!

Níu kéo, khơi gợi làm gì khi mọi chuyện đã không còn là gì trong lòng 1 người? Chỉ làm người đó khó chịu, bực bội và càng muốn quên hết, người níu kéo sẽ đau hơn khi bị người kia hắt hủi, né tránh…

Bạn nghĩ sao, nếu đoạn cuối là một điều gì đó tươi sáng hơn nữa… Để đúng như tựa truyện, dù đã chút nắng ấm ấm len vào tim và sự thanh thản cho Thi Thi những ngày sau này nhưng dường như chưa đủ vì cô còn nợ Quyên một lời xin lỗi và cả bản nhạc đúng nghĩa mà anh trai cô dành tặng Quyên – bản nhạc mà cô đã đánh lên khi ngộ ra lời nhắn nhủ của anh trai mình.

Henry Long Nguyen

© 2011 – 2015, https:. Luôn Tôn Trọng và Bảo Hộ mọi Tác Quyền như một lời cảm ơn!


Leave a Reply to Dinhnguyen55 Cancel reply

7 thoughts on “[Truyện Ngắn] Bản Nhạc Cho Ngày Nắng Ấm

    • Henry Long Nguyen

      Anh không biết tựa gốc, vì là hòa tấu trong CD nhạc HongKong. Chỉ biết phiên âm là: “Wode Cheng Xia Xiao Jie”.

      Em có thể tìm ở các trong nhạc online Việt Nam bằng tên này.

  • Violet Tar

    Quá khứ chính là 1 phần da thịt; nó có thể là 1 đôi mắt đẹp, 1 bàn tay tầm thường hay 1 cái sẹo lồi nhưng nó thuộc về cơ thể ta dù cố quên hay vô tình nhớ. Ai đón nhận ta sẽ đón nhận tất cả những cái đó rất điềm nhiên, thay đổi và gọt bớt thật đau đớn mà chẳng cần thiết – thậm chí họ sẽ đồng điệu luôn cả qk đó cùng ta dù cứ để nó ngủ yên cũng chẳng vấn đề gì! Khi bị mất đi 1 đứa con, tình cảm người mẹ dành cho nó chẳng giảm bớt và càng tăng thêm bội phần với những người con khác. 
    Bản năng của con người là đi tìm hạnh phúc; và thư giãn bằng cách đắm mình trong sự cô tịch của nỗi buồn sầu:)

    (:D cám ơn những chia sẻ của chủ blog nha nhờ bạn lần đầu tiên mình đến Ploy – rất tinh tế ^^)

  • Kam

    Mot ket thuc khien nguoi ta cam thay khong thoa man chut nao, sao luc Thi Thi nhu muon cam dao dam vao Quyen tai sao lai khong hanh dong, luc do chac chan Thi Thi rat tuc gian, cam phan va uat uc, anh trai minh da phai dem tat ca tinh yeu thuong theo den chon vinh hang, vay ma Quyen lai nhon nho co nguoi ban trai moi, vui ve hanh phuc, phai dau nhieu the moi xung voi anh cua co.

  • Dinhnguyen55

    “Bản năng con người là đi tìm hạnh phúc, chẳng ai kiên trì nhấn chìm mình trong những chuyện buồn” Nếu ai cũng như Thi Thi muốn Quyên lúc nào cũng phải nhớ đến anh mình thì chẳng phải ác lắm sao? khi cứ dày vò người khác bằng nỗi đau họ đã trải qua. Bản nhạc của anh trai Thi Thi cũng chỉ mong muốn người ở lại được vui vẻ và hạnh phúc. Bản nhạc rất hay! Cảm ơn anh Long Nguyễn đã chia sẻ.