[Blog] Nó – Cổ Tích, Phim Hoạt Hình và Phong Cách Fantasy


Khuyến cáo: Nếu bạn vô tình hay thật sự muốn đọc nội dung bên dưới thì hãy ghi nhớ một điều, bài viết này có thể có những tình tiết thật và có thể hoàn toàn là hư cấu cho nên không có nội dung cũng chẳng có trật tự và cốt truyện. Dù sao đi nữa, nó vẫn là một sản phẩm được dán nhãn “Blog”… hãy hiểu điều này! Nếu nó có thể làm cho bạn cảm thấy thú vị… thì đó hẳn đã vượt ngoài dự kiến của tác giả!

1/ Cổ tích:

Thuở nhỏ… Nó may mắn hay gọi là ngẫu nhiên, vô tình… nói theo ngôn ngữ phim kiếm hiệp HongKong là “lụm được bí kíp”… cả một kho. Trong mắt của người lớn thì đó chỉ là những chồng sách cũ, trong mắt của một đứa trẻ thì đó là một kho tàng, một thế giới vượt ngoài hiểu biết của nó. Cho nên không lạ gì khi mọi đứa trẻ đều có thế giới của riêng mình. Kho bí kíp của nó lúc bấy giờ có rất nhiều truyện tranh cổ tích nước ngoài, có cả truyện chữ… những tập sách rất dày và nhiều phần mà nó còn nhớ mang máng vài tựa sách như: 1001 Đêm, Truyện Cổ Thế Giới Trọn Bộ…

Hẳn là đứa trẻ nào cũng thích đọc truyện tranh, truyện cổ tích, thần thoại. Nó không biết bọn trẻ hồi đó và bây giờ đọc và mơ mộng những gì, đọc và hiểu như thế nào. Thật không may…

Nó đọc và phân tích từng câu thoại và tình huống rất là “không đi theo logic của truyện”. Đại loại, nó tự hỏi chàng Aladin rốt cuộc là đã làm được gì đâu khi mà mọi rắc rối đến với anh đều có người khác giải quyết dùm: Đó là ông thần Đèn. Còn các nàng công chúa thì điển hình chung là chỉ có 1 mẫu người đó là các cô nàng yếu đuối và… một suy nghĩ rất là tương lai kèm theo: Sau này lớn lên nhất định không quen con gái nhà giàu :))

Đó chỉ là kể ra vài tình tiết điển hình thôi, nói chung nó là một đứa trẻ ưa phân tích với các câu hỏi tại sao và tại sao? Nếu không có ai trả lời được hoặc câu trả lời khiến nó không hài lòng thì nó sẽ tự mình đi tìm lời giải mà nó cho là thích hợp nhất. Đó không phải là hình ảnh một đứa trẻ ngoan, và chắc chắn đó là đứa trẻ phiền phức. Bởi không phải người lớn nào cũng có nhiều thời gian và hiểu biết để giải thích cho nó.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều: không gian, bối cảnh và ngôn ngữ ngay từ buổi đầu mà đứa trẻ tiếp nhận đã là một môi trường rất Châu Âu gieo vào tâm thức nó. Nó thích cái đẹp của những lâu đài, thích nét cổ kính sang trọng của những con đường của nước Anh, thích phong cách quý tộc và dáng vẻ sang trọng của những vị Hoàng Đế.

Kiến thức của đứa trẻ qua nhiều năm trở nên sâu đến độ làm nó không thể nói được quá nhiều. Bởi cái hiểu của nó nhiều đến mức ngôn từ mà nó biết ở độ tuổi đó của nó không đủ nhiều để có thể diễn đạt.

Hiển nhiên, việc thú nhận với một người lớn là nó có thể chỉ ra sự khác biệt về văn hóa của Trung Hoa ảnh hướng đến đời sống của nhiều quốc gia Châu Á như thế nào. Và đâu là điểm khác biệt giữa Á và Âu là điều mà người lớn sẽ không tin hoặc không quan tâm như kiểu: Một đứa trẻ thì làm sao biết văn hóa Châu Á mang nét co cụm và bảo thủ. Kiến trúc của họ dù đẹp nhưng luôn mang nét hoài niệm của quá khứ. Người Châu Á thường bằng mặt chứ không bằng lòng. Châu Á ăn theo kiểu chim – dùng đũa gấp.

Khác với Châu Á, kiến trúc của Châu Âu mang nét hiện đại và phóng khoáng. Là nền tảng cho nhiều mô hình và công trình kiến trúc cho đến tận bây giờ. Người Châu Âu không bằng lòng là không bằng mặt. Châu Âu ăn theo kiểu hổ – dùng nỉa xé.

Càng hiểu nhiều… Thế là nó càng ít nói, càng không thể nói nó lại càng đọc sách thật nhiều. Nó thấy rằng chỉ có thể giới đó mới khiến cho điều nó muốn nói diễn đạt lại bằng hình ảnh một cách trọn vẹn – thế giới tưởng tượng của riêng nó.

2/ Phim Hoạt Hình:

Nó thích cổ tích, nó thích tạo ra những thế giới khác thường, màu nhiệm và bay bổng thế cho nên không lạ khi nó thích phim hoạt hình. Thế nhưng…

Nó đã lớn hơn… đã là một chàng trai trong tuổi biết yêu và theo quan niệm của người lớn nói chung là nên chú tâm vào những kỳ thi hơn là yêu đương nhăng nhít.

Những năm 199x… Khi nhìn nó xem phim hoạt hình và cười lên một cách vô tư với những nhân vật và tình huống… người ta lại bảo: “Sao mày trẻ con thế. Lớn rồi mà cứ như con nít… “

Ừ, nhưng rồi họ cũng kệ nó vì thà nó cứ vô tư như vậy đỡ hơn là tập tành… làm con nít quỷ. Thế nhưng…

Những năm 200x… Khi nó vẫn thường xem phim hoạt hình, người ta lại chép miệng… với câu nói khi xưa nhưng vế cuối đã được loại bỏ.

Nhưng có một điều, họ chưa bao giờ thấy nó tỏ ra căng thẳng và khó chịu trước một vấn đề. Họ nghĩ do cái tính nó con nít – không lo nghĩ nhiều nên lúc nào cũng thấy vô tư và vui vẻ. Thế nhưng…

Điều đáng sợ là… không ai trong công ty nơi nó làm lại có suy nghĩ đó. Trong môi trường khác nó như là một người hoàn toàn khác, đanh thép và khó ưa nhưng lại không thể bị chỉ trích bị bắt bẻ. Sự thật của nó là:

Sự thật này, nó chỉ duy nhất nói với một người. Khi nàng còn trong vòng tay nó, nó nhẹ nhàng:
– Em biết không, anh thích phim hoạt hình không phải là vì anh rất con nít. Mà là vì mọi người không thấy rằng: 100% những bộ phim hoạt hình nổi tiếng đều không phải do con nít làm ra. Anh chỉ đọc xem những con người đó suy nghĩ cái gì và sáng tạo như thế nào qua những thước phim. Và cũng vì phim hoạt hình không bao giờ quá căng thẳng và giải quyết tình huống luôn nhẹ nhàng cho nên dùng nó để thư giản để thả lỏng mình trước những áp lực công việc anh thấy hiệu quả, ít nhất nó làm anh cười bởi thế giới đáng yêu và ngộ nghĩnh, trong thế giớ đó – anh thấy mình không cần phải suy nghĩ nhiều. Và hiện nay, anh có thể nói rằng lý thuyết của mình đúng khi mà giờ đây, chẳng ai dám nói rằng phim hoạt hình chỉ dành cho con nít khi mà những bộ phim bom tấn và cả Oscar đều có mặt những bộ phim hoạt hình.

Điều đó, làm anh kết luận mình phải luôn tập nhìn xa hơn cái mình có thể thấy, đừng nhìn hiện tại để phấn đấu, đừng nhìn hiện tại để giải quyết vấn đề. Làm việc với một cái tâm dành cho tương lai hẳn sẽ không thấy được ích lợi ngay trước mắt nhưng chắc chắn nó sẽ là lại ích lâu dài. Đừng chỉ thấy cái mà mọi người vẫn đang thấy, đừng đi theo ý kiến mà mọi người vẫn theo… điều đó có thể là sai nhưng nếu làm được như vậy anh mới là chính anh.

Làm sao để mình luôn nhìn khác mọi người, đó là việc anh tập cho bộ não đọc được cách mà mọi người suy nghĩ. Việc này khá dễ dàng vì từ nhỏ, anh đã tự luyện tập như thế. Tập cách phân tích tình huống và đặt câu hỏi tại sao – phân tích vấn đề bằng nhiều khía cạnh trong các câu truyện và cả các kịch bản mà anh đọc được? Cho nên anh là người đầu tiên tạo ra và nhấn “Like” cái trang: Đọc Cách Người Khác Đang Suy Nghĩ trên Facebook.

Nó cười tươi.

3/ Phong Cách Fantasy:

Fantasy hay còn gọi là Kỳ Ảo, là một trong những cách mà đứa trẻ đó… dùng để thể hiện mình. Lúc nó còn nhỏ, đứa trẻ thừa biết rằng suy nghĩ của nó vốn khác người, nếu nó ít nói và sống tách biệt với thế giới thực quá lâu: nó sẽ trở nên hoang tưởng. Cho nên nó phải là một con người khác nữa, nhân vật đó chính là người mà trong thế giới tưởng tượng của nó luôn tồn tại… vẫn là nó, nhưng năng động và khác biệt hơn rất nhiều. Nó để cho con người đó bước vào thế giới thật. Để cho mọi người lẫn lộn giữa thật và giả, để mọi người luôn không biết con người thật của mình. Sẵn sàng ngây ngô nếu điều đó làm mọi người vui, và trong những hoàn cảnh không có họ… khi cần thiết nó cũng trở nên lạnh lùng và đáng sợ.

Khi nó yêu nàng ấy, nó từng tự kiêu nói với nàng rằng:
Ở bên anh, trừ khi chính anh gạt em còn không chẳng ai có thể gạt được em.

Nàng đã từng chứng kiến cái thật – giả đó… khi nó để người khác gạt mình rồi nói:
Em biết không, cách hay nhất để một kẻ mình không ưa làm phiền chính là cho hắn cái hắn muốn. Anh chấp nhận để hắn gạt, tuy nhiên tất cả phải nằm trong kiểm soát của anh.

Hẳn là nàng biết nó không thích những gì không thể kiểm soát, không may… cuộc sống là một trong những thứ đó…

Nhưng cuộc sống cũng dạy cho nó rằng, loài người vốn không ưa sự thật. Họ chỉ nói vậy, chỉ tôn sùng sự thật như một giá trị. Và họ luôn biết sự thật mất lòng, thế nên họ thích nghe lời nói ngọt, những lời nịnh nọt. Vậy cho nên, khi nó muốn đả kích 1 điều gì đó, nói 1 điều gì đó: Câu nói ấy đều bao gồm nhiều hàm ý và cả nghĩa tốt lẫn xấu hoặc chẳng tốt chẳng xấu.

Đó là cách nói nước đôi, một vài người cũng gọi đó là tính ba phải. Đó cũng là điển hình trong tính cách của một lớp nhân vật thần thoại Bắc Âu: Loài ELF hay còn gọi là Tộc Tiên. Đó cũng là một trong những lớp nhân vật huyền ảo mà nó rất thích.

Nó nhận ra bài học từ loài Elf, cái mà những người thường cho là ba phải thật ra là một cách hiểu sai lầm. Với loài Elf – cách tốt nhất để tránh mọi xung đột là không đi theo ai cả mà hãy đi theo sự lựa chọn của riêng mình. Từ đó, quan điểm và thái độ sống của nó… nhìn thì có vẻ là trung lập, mọi thứ đều lấp lững ở khoảng không cao không thấp. Tuy nhiên, mọi thứ đều có cái vượt lên hàng ngũ những tầm nhìn tinh tế mới nhận ra.

Đó cũng là cách mọi thứ được bắt đầu, nó chọn cho mình sở trường và phong cách Fantasy cho cuộc sống và cả trong văn chương vì thế giới không thích sự thật. Hiển nhiên là vậy, dù họ luôn nói ngược lại và có vẻ như luôn ủng hộ sự thật. Vậy hãy chiều theo họ, không nói thẳng sự thật nhưng nói theo cách của riêng mình. Nói bằng ngôn ngữ của riêng mình, ai có duyên thì hiểu những điều sâu xa, không thì vẫn hiểu đó chỉ là câu chuyện thú vị để ngồi nghe, ngồi đọc hàng giờ. Nó sẽ tạo ra một sản phẩm như vậy.

Đơn giản và dễ hiểu theo cách mà họ muốn và sâu xa sâu sắc theo cách của riêng mình. Đấy là phong cách fantasy của nó, thể loại văn chương kỳ ảo mà nó đeo đuổi.

Henry Long Nguyen

© 2011 – 2015, https:. Luôn Tôn Trọng và Bảo Hộ mọi Tác Quyền như một lời cảm ơn!


Leave a Reply to lê thị thu hiền Cancel reply

15 thoughts on “[Blog] Nó – Cổ Tích, Phim Hoạt Hình và Phong Cách Fantasy