Đừng cố gắng làm người nổi tiếng…


“Đừng cố gắng làm người nổi tiếng mà trước hết hãy làm người có ích” và “Biết tự hào về bản thân là tốt nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” là 2 câu hỏi nghị luận trong đề thi Văn khối C và D trong kì thi Đại học (ĐH) năm 2011.

Hai câu hỏi này khá khó, và cũng khá hay, theo đánh giá của rất nhiều các thí sinh dự thi ĐH và của đông đảo các bậc phụ huynh. Hai câu hỏi trong đề thi này cũng khiến rất nhiều người quan tâm và suy ngẫm nghiêm túc bởi 2 vấn đề đặt ra là rất ý nghĩa. Đó là câu chuyện “Nhà nghèo cũng phải cho Tèo đi thi đại học”, và bên cạnh Tèo, có lẽ cũng nên cho một cơ số ngôi sao đi thi ĐH.

Một anh bạn của tôi đã thốt lên rằng: “Đừng cố gắng làm người nổi tiếng mà trước hết hãy làm người có ích, câu này rất đúng với một cơ số các hot-girl bây giờ, tôi thấy hình như ngoài khoe ngực, khoe thân thì họ chẳng làm được một cái gì khác thì phải”.

Ảnh đăng lên vì thấy đẹp – không hề liên quan đến nội dungHenry Long Nguyen ^^

Trước tiên, cần phải hiểu rõ với nhau rằng, là một ngôi sao giải trí thì hoàn toàn khác với chuyện là một người nổi tiếng, bởi cái sự nổi tiếng ở ta bây giờ nhiều khi không đến từ sự lao động, đóng góp nghiêm túc cho nghệ thuật mà nổi tiếng theo kiểu tai tiếng. Nhà biên đạo múa Lê Vũ Long từng nói một câu thế này: “Cái sự nổi tiếng ở ta giờ dễ dãi quá, một cô hot-girl khoe ngực, khoe thân và trở nên nổi tiếng, còn những người lao động nghệ thuật nghiêm túc thì cứ âm thầm làm việc”. Thế mới có chuyện một đứa bé từng nói với mẹ rằng “Cô Elly Trần chỉ có cái… to, còn đóng phim còn chưa bằng các bạn ở lớp con diễn kịch”.

Sau thảm họa của V-Pop, sau khi một cơ số các chân dài với giọng hát karaoke cấp phường thi nhau bức tử nhạc Việt, thì lại vẫn có một số các chân hơi dài, mặt chỉ trên mức xấu (dù đã dao kéo tùm lum) khác tiếp tục đưa ra những tuyên bố khiến những người hiểu thế nào là âm nhạc thực sự phải nơm nớp lo sợ: “Em sẽ dấn thân vào âm nhạc, em quyết tâm trở thành ca sĩ”. Hai cô mẫu Vy Oanh rồi Maria Đinh nào đó sau vài tấm ảnh hở hang cũng liền “dọa” rằng “Em sẽ đi hát, sẽ làm ca sĩ, sẽ đóng phim”.

Những người đẹp ở ta giỏi thật, người đẹp nào cũng làm người mẫu, rồi đóng phim, rồi hát, dám chắc rắc mấy người đẹp này có đứng trước hai câu hỏi trên chưa chắc viết nổi 200 chữ đúng ngữ pháp, chứ không nói đến chuyện viết được bài văn 600 chữ cho có đầu có đuôi. Bởi nếu các người đẹp có tri thức thực sự, nếu đã học giỏi được môn văn – môn học của tâm hồn, thì các cô đã không “thò chân” vào nghệ thuật theo những cách phản cảm như vậy. “Phi Thanh Vân – em tự hào về làn da nâu của em, về sắc đẹp của em, em là phụ nữ, không ai cấm em nghĩ mình đẹp cả, nhưng xin em hãy biết rằng “biết xấu hổ còn quan trọng hơn”, xin em đừng hát và đừng tuyên bố gì nữa” – Một độc giả có tên Ngọc Quang đã thốt lên như vậy!

“Đừng cố gắng làm người nổi tiếng mà trước hết hãy làm người có ích”, giá mà một cơ số các ngôi sao, sao đã có tiếng và “sao xẹt” nghĩ được điều này. Vừa rồi có câu chuyện về cô “hốt-gơn” nào đó được mệnh danh là “yêu nữ đồ hiệu” chả hiểu tầm nhận thức và văn hóa tới đâu lên tiếng “cạnh khóe” Mỹ Linh. Nữ ca sĩ đàn chị đã quá chính xác và cũng chẳng quá lời khi nhận xét “âm nhạc có tinh hoa thì cũng có rác”. Cố nổi tiếng bằng sự phô trương những thứ vật chất tầm thường, và tiếp theo có những phát ngôn cho thấy một tầm nhận thức và văn hóa thấp kém, có bao giờ em nghĩ được như bao thí sinh ngoại tỉnh đổ mồ hôi về Hà Nội dự thi rằng “trước hết hãy làm một người có ích cho xã hội”.

Một anh chàng ca sĩ chuyên hát dăm ba bài hát nhạc sến rẻ tiền não tình, khi anh cưới được một cô hot-girl trẻ tuổi, dễ thương, cũng có nhiều người mừng cho anh. Nhưng ngay sau đó, anh chụp ảnh khoe vợ tràn làn quá lố, rồi tiếp theo có vài bài viết rằng có “tin đồn” anh sắp làm bố. Xin lỗi, nhưng giữa thời bão giá khó khăn này, chẳng ai còn thừa hơi đi tung tin đồn anh làm bố, chẳng ai thừa thời gian đi quan tâm vợ anh có bầu hay chưa. Hạnh phúc của anh, anh hãy giữ lấy, cùng cái sự nghiệp ca hát chẳng biết là có còn không của anh, giá mà anh chàng ca sĩ già này nghĩ được rằng “Biết tự hào về bản thân là tốt nhưng biết xấu hổ còn tốt hơn”.

Với vô số nhưng thứ nói không quá lời là rác rưởi, nhảm nhí đang diễn ra với âm nhạc, với nền giải trí hiện nay, có lẽ nên cho một cơ số những người “nổi tiếng” đi thi ĐH, với đề thi chỉ bao gồm hai câu hỏi nghị luận nói trên. Hi vọng đến lúc đó thì chúng ta sẽ bớt đi được một cơ số những cái được gọi là… thảm họa.

Theo Vnmedia

© 2011, https:. Luôn Tôn Trọng và Bảo Hộ mọi Tác Quyền như một lời cảm ơn!


Viết một bình luận...

4 thoughts on “Đừng cố gắng làm người nổi tiếng…

  • Lê Hà

    Mình không thấy cái đề này thú vị: Thứ nhất: có thể đặt trong bối cảnh là các trang web sex, sự suy đồi đạo đức học đường…nên nhiều người thích cái đề này, nhưng đây mới chỉ là một mặt nhỏ thôi, mà bề sau nó là sự cô độc của rất nhiều tâm hồn nhỏ, không nhìn thẳng vào chiều sâu ấy mà phán, hơi phiến diện.
    thứ 2: Đưa so sánh giữa người nổi tiếng với người có ích: Dạ thưa liệu người nổi tiếng không phải là người có ích à?
    học sinh vô hình chung khi làm bài sẽ chỉ có một ý kiến là đồng thuận với í trên, nhưng giáo dục cần phải phát huy tính sáng tạo, và chắc hẳn sẽ hơi ít học sinh nói là “em không nghĩ thế”.

  • Elson Vũ

    mình là thí sinh dự thi ĐH ban C đợt vừa qua (2011 – 2012). Thì với đề Nghị luận xã hội này đã “ngốn” của mình hơn 45 phút. Nội dung của câu nói “Biết tự hào về bản thân là tốt nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” có nhiều khía cạnh để người viết khai thác, nhưng phải chọn ra một góc nhìn đc nhiều người nghĩ đến đó mới là vần đề cần suy nghĩ. Nếu như viết lệch nội dung sẽ dẫn người viết đi xa vấn đề. Đây là kiểu đề nghị luận GHÉP ĐÔI, yêu cầu ngi viết xác định rõ hai vấn đề tuy đối lập nhau nhưng đồng thơi chúng bổ sung cho nhau. 

    Đề khá hay và đi sát với thực tế, với lớp trẻ hiện nay – đang mạnh mẽ để chứng minh cái TÔI của bản thân, sự tồn tại của mình trong cuộc đời… màh đôi khi nhìn nhận sai về khả năng của bản thân, tự phụ vào chính mình. 

  • Ming Nguyen

    Hỵ vọng bài này chỉ là “lưng chừng” của con người bạn:) . Cá nhân tôi luôn ủng hộ hơn những ý kiến đúc kết từ 2 mặt của vấn đề – hầu hết đều thành trung lập.