ISFP – The Artists – Nghệ Sĩ


ISFP: Hướng nội – Giác quan – Tình cảm – Linh hoạt

Những người thuộc nhóm ISFP có lối sống chủ đạo là cảm giác hướng nội, họ giải quyết vấn đề dựa trên cách họ cảm nhận vấn đề như thế nào, hoặc cách chúng hòa hợp với hệ thống giá trị của họ như thế nào.

Ngoài ra, ISFP còn có một lối sống thứ hai là trực giác hướng ngoại, họ cảm nhận mọi thứ thông qua năm giác quan của họ một cách cụ thể và rõ ràng.

MÔ TẢ CHUNG:

ISFP thường là những người đầu tiên nhận ra sự thay đổi. Rất nhiều trong số họ đổ xô vào các thời trang mới, các cách suy nghĩ mới, hay các xu hướng “hip”, một vài người còn là người tạo ra các xu hướng.

ISFP gần với thực tế hơn là INFP nhớ yếu tố S của họ. Các ISFP hầu như chỉ sống trong hiệnt tại. Họ có những cơn bốc đồng khao khát tự do, đôi khi làm họ trở nên phóng túng vào lúc người khác ít ngờ nhất. Các ISFP phải thường xuyên đè nén cơn bốc đồng của mình cảm thấy “chết trong lòng” và đôi khi chợt bỏ đi và vứt bỏ tất cả.

ISFP có thể tỏ ra rất dễ thương và đáng mến ngay trong lần gặp đầu tiên, với vô số những lời khen ngợi (cả đúng lẫn không đúng) dành cho người khác. Nhưng trong các trường hợp khác, cũng chính con người đó lại rất lầm lì, khó hiểu.

Một vài ISFP nam rất hiếu thắng và thích tranh đua, đặc biệt là trong thể thao hoặc các trò chơi đối kháng, và gặp khó khăn khi phải thất bại. Bản chất thích tranh đua này (cũng thường thấy ở các nhóm SP khác) làm cho họ có vẻ như những người may mắn, can đảm, và thích mạo hiểm.

Phân lớn ISFP gặp khó khăn với các môn học quá chặt chẽ, và nhiều người bỏ học giữa chừng. Họ dễ tập trung chú ý hơn đến các cách học thông qua thực nghiệm và nhiều người rất thành công. ISFP có thể học chơi một nhạc cụ hoặc tập một kỹ năng nào đó mà họ yêu thích nhiều giờ liền mà vẫn cảm thấy hứng thú.


ISFP sống trong thế giới của cảm xúc. Họ thường tỏ ra thích thú với mọi vật qua vẻ bề ngoài, mùi vị, âm thanh và cảm giác của họ về chúng. Họ có khả năng thưởng thức nghệ thuật tốt, và thường có xu hướng trở thành nghệ sĩ về mặt nào đó bởi vì họ có tài năng sáng tạo hoặc sáng tác nhiều tác phẩm có tác động mạnh đến cảm xúc. Họ có hệ thống giá trị mạnh mẽ, và họ luôn đấu tranh để giữ vững chúng trong cuộc sống. Họ cần có cảm giác được sống với những gì họ cảm thấy là đúng, và sẽ chống lại bất kì điều gì đối lập với mục tiêu đó. Họ thường chọn những công việc và nghề nghiệp cho phép họ có sự tự do để có thể hiện thực hóa những mục tiêu cá nhân được dựa trên những giá trị sống của mình.

ISFP có xu hướng sống khép kín, để hiểu rõ họ không phải là điều dễ dàng. Họ chỉ nói ra ý tưởng và chính kiến riêng của mình cho những người thật sự thân thiết. Họ rất tốt bụng, lịch thiệp và nhạy cảm khi tiếp xúc với người khác. Họ quan tâm đến việc làm người khác hạnh phúc và vui vẻ, và sẽ nỗ lực hết mình để làm những việc mà họ tin tưởng.

ISFP bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp thẩm mỹ. Họ yêu động vật, và biết thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên. Họ là người độc đáo, độc lập, và luôn cần có không gian riêng. ISFP trân trọng những người dành thời gian để tìm hiểu về họ cũng như những người hỗ trợ họ đạt được mục tiêu theo cách họ muốn. Những người không hiểu họ thường cho rằng lối sống đặc biệt của ISFP là biểu hiện của một người vô lo, nhưng ISFP là người sống rất nghiêm túc, luôn luôn thu thập thông tin và chuyển hóa nó qua thế giới quan của mình, với mục đích tìm kiếm sự rõ ràng và những ý nghĩa ẩn dụ bên trong những thông tin đó.

ISFP luôn hướng đến sự hành động. Họ là những “người thích làm việc”, và thường không thấy thoải mái trong việc lý thuyết hóa những khái niệm hoặc ý tưởng, trừ khi họ thấy được ứng dụng thực tiễn của chúng. Họ tiếp thu tốt nhất trong môi trường mà họ có cơ hội được thực hành, và dễ nhàm chán trước những phương pháp học truyền thống, bởi phương pháp này luôn nhấn mạnh lối tư duy trừu tượng. Họ không thích những phân tích khách quan, cũng như những quyết định chỉ dựa trên lập luận logic. Thế giới quan của họ đòi hỏi những quyết định được đưa ra phải được đánh giá dựa trên những niềm tin chủ quan của cá nhân hơn là những luật lệ khách quan.

ISFP cực kì sâu sắc và luôn quan tâm đến mọi người. Họ luôn thu thập thông tin về người khác và tìm hiểu về chúng. Họ thường am hiểu những người xung quanh rất sâu sắc.

ISFP rất ấm áp và đáng mến. Họ quan tâm đến người khác chân thành, và luôn muốn làm vui lòng mọi người. Họ đặc biệt quan tâm đến những người thân thiết bên mình, và thường thể hiện tình cảm đó bằng hành động chứ không bằng lời nói.

ISFP không có mong muốn lãnh đạo hoặc điều khiển người khác, cũng như họ không muốn bị dẫn dắt hay lãnh đạo từ người khác. Họ cần có không gian riêng để có thể đánh giá lại những hoàn cảnh trong cuộc sống của mình dựa trên góc nhìn của chính bản thân, và cũng tôn trọng những ai có nhu cầu tương tự như họ.

ISFP thường không tự ghi nhận công sức của bản thân nhiều dù họ làm rất tốt. Hệ thống giá trị sống của họ thường làm cho họ trở thành những người cầu toàn, và đôi khi làm cho họ phán xét bản thân một cách gay gắt không cần thiết.

ISFP có rất nhiều năng khiếu, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, và hết lòng giúp đỡ mọi người. Đối với ISFP, cuộc sống rõ ràng không phải đơn giản với họ, bởi họ sống khá nghiêm túc. Nhưng họ có những “công cụ” để làm cho cuộc sống của mình và những người xung quanh luôn có nhiều điều thú vị quí báu.

Các ISFP nổi tiếng

Ulysses S. Grant, tổng thống Mỹ

Marilyn Monroe, diễn viên nổi tiếng người Mỹ

Elizabeth Taylor, diễn viên nổi tiếng người Mỹ

Michael Jackson, ông hoàng nhạc Pop

Donald Trump, tỷ phú bất động sản

ISFP VÀ SỰ NGHIỆP

Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang muốn biết xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách có khả năng tác động đến sự thành công hay thất bại của bạn trong những ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình cùng với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự coi trọng, thì bạn đang ở trong một tâm thế rất tốt để chọn cho mình một nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.

Các ISFP thường có một số nét đặc trưng sau:

  • Quan tâm đến môi trường sống và làm việc của mình.
  • Sống thực tế.
  • Thích một cuộc sống chậm rãi – họ thích tận hưởng cuộc sống tại mọi thời điểm.
  • Không thích giải quyết những vấn đề trừu tượng, trừ khi họ thấy được ứng dụng thực tế của nó.
  • Chân thành và kiên định với những người và những ý tưởng có tầm quan trọng đối với họ.
  • Theo chủ nghĩa cá nhân, không thích lãnh đạo cũng như làm theo người khác.
  • Nghiêm túc trong mọi việc, mặc dù họ thường không tỏ ra như vậy.
  • Thích trẻ em và động vật.
  • Kín tiếng và dè dặt, trừ khi tiếp xúc với những người họ hiểu rõ.
  • Đáng tin cậy, nhạy cảm và tốt bụng.
  • Luôn giúp đỡ mọi người.
  • Đặc biệt phát triển khả năng cảm thụ và đánh giá vẻ đẹp nghệ thuật.
  • Là người độc đáo và có óc sáng tạo.
  • Tiếp thu tốt nhất trong môi trường thực hành.
  • Không thích bị giới hạn vào thời khóa biểu cũng như chế độ ăn uống nghiêm ngặt.
  • Cần không gian riêng và sự tự do để làm những việc mình thích.
  • Không thích những công việc thường ngày, nhưng sẽ làm nếu cần thiết.

ISFP là cá nhân đặc biệt, họ muốn có một sự nghiệp hơn là một công việc. Họ muốn có một sự nghiệp giúp họ phát triển những giá trị cốt lõi bên trong mình chứ không phải một công việc nửa vời. Vì họ thích sống với hiện tại và dành thời gian để tận hưởng nó, nên họ không thích hợp với môi trường làm việc năng động. Họ cần có không gian riêng và sự tự do để tận dụng khả năng nhận thức nhạy bén của mình. Nếu họ được tự do làm chủ khả năng tự nhiên, họ sẽ đánh thức được người nghệ sĩ tuyệt vời bên trong chính mình. Hầu hết những nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn thế giới đều thuộc nhóm ISFP. Vì ISFP luôn quan tâm sâu sắc đến cảm xúc và phản ứng của người khác, và có xu hướng giúp đỡ mọi người, nên ISFP là những nhà tư vấn và giáo viên bẩm sinh.

Danh sách nghề nghiệp dưới đây được tạo ra dựa trên những cảm nhận về nghề nghiệp mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ thích hợp cho một ISFP. Mục đích của nó là cho bạn một sự tham khảo chứ không phải là một bản danh sách chi tiết. Không có bất cứ một cam kết nào chứng tỏ rằng những sự nghiệp dưới đây sẽ phù hợp với bạn, bên cạnh đó cũng có thể sự nghiệp thích hợp nhất đối với bạn cũng nằm trong danh sách này.

Những gợi ý nghề nghiệp phù hợp với ISFP:

  • Nghệ sĩ
  • Nhạc sĩ
  • Nhà thiết kế
  • Chăm sóc trẻ em / Phát triển trẻ em
  • Người làm công tác xã hội / Cố vấn
  • Giáo viên
  • Nhà tâm lí học
  • Bác sĩ thú y
  • Kiểm lâm viên
  • Bác sĩ khoa nhi

PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CỦA ISFP
10 NGUYÊN TẮC ĐỂ ĐẠT THÀNH CÔNG

1. Trau dồi ưu điểm của mình. Hãy khích lệ tài năng sáng tạo và chất nghệ sĩ của bạn. Nuôi dưỡng tâm hồn mình. Hãy tạo cho mình nhiều cơ hội để giúp đỡ những người thiệt thòi, nghèo khổ.

2. Hãy đối mặt với khuyết điểm của mình. Hãy chấp nhận những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình. Đối mặt và giải quyết những yếu điểm của mình không có nghĩa là bạn phải thay đổi bản thân, mà đó có nghĩa là bạn muốn trở thành con người tốt nhất mà bạn có thể. Bằng cách đối mặt với chúng, bạn đang thể hiện sự kính trọng đối với bản thân chứ không phải là đang tự trách chính mình.

3. Thể hiện cảm xúc của mình. Đừng để những cảm xúc tiêu cực bao vây bạn. Nếu có những cảm xúc mạnh mẽ, hãy bày tỏ chúng. Đừng để chúng tích tụ lên tới đỉnh điểm để rồi bạn sẽ không thể kiểm soát được bản thân!

4. Lắng nghe mọi thứ. Cố gắng đừng gạt bỏ mọi chuyện ngay lập tức. Hãy để chúng ngấm từ từ rồi từ đó mới nêu lên ý kiến đánh giá của bạn về chúng.

5. Mỉm cười với những lời chỉ trích. Hãy nhớ rằng sẽ luôn có người không hiểu bạn hoặc không đồng tình với bạn, dẫu cho họ xem trọng bạn thế nào. Cố gắng xem chúng như một lợi thế để phát triển – và thật sự đúng là như vậy.

6. Hãy cố gắng hiểu người khác. Nhớ rằng mười lăm nhóm người còn lại sẽ có thế giới quan khác bạn. Cố gắng tìm hiểu họ thuộc nhóm người nào và tìm hiểu về thế giới quan của họ.

7. Hãy chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Hãy nhớ rằng không ai khác ngoài bạn có thể kiểm soát được cuộc sống của chính mình.

8. Hãy biết chấp nhận. Bạn sẽ luôn bị thất vọng nếu bạn mong chờ từ người khác quá nhiều. Càng thất vọng về ai đó, bạn lại càng đẩy người đó ra xa mình hơn. Hãy đối xử với người khác thật nhã nhặn như cách bạn muốn họ đối xử với mình.

9. Hãy tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất. Đừng tự làm nản lòng mình bằng ý nghĩ rằng mình thật tồi tệ. Nhớ rằng một thái độ tích cực sẽ mang đến cho bạn những hoàn cảnh tích cực.

10. Nếu chưa chắc chắn, hãy hỏi lại! Đừng tự đánh đồng việc thiếu những thông tin phản hồi là một với việc nhận được những thông tin phản hồi tiêu cực. Nếu bạn cần phản hồi từ người khác, hãy hỏi ngay!

ISFP VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ

ISFP sống rất tình cảm và tốt bụng, họ luôn nghiêm túc trong những cam kết của mình, và tìm kiếm những mối quan hệ lâu dài. Họ thuộc nhóm người kín đáo, họ không muốn cho người khác biết được suy nghĩ của mình. Điều này làm họ có xu hướng chiều theo ý đối phương trong mối quan hệ tình cảm, và có thể sẽ gây ra rắc rối nếu người đó không hiểu cảm giác của ISFP. Một số ISFP có thói quen không thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình thường cảm thấy họ đang ở trong tình trạng bị lu mờ, bị lờ đi hoặc thậm chí bị người khác “chà đạp”. Với bản chất thực dụng và hoài nghi, những cảm xúc như thế có thể khiến cho ISFP trở nên gay gắt, và hoặc là sẽ rời bỏ mối quan hệ đó, hoặc là lợi dụng nó để đạt được những mục đích cá nhân. Mặc dù vấn đề này đôi khi vẫn xảy ra, nhưng nó hiếm khi xuất hiện ở những ISFP biết cách thể hiện cảm xúc của mình với những người thân thiết. Những ISFP này luôn có một cái nhìn ấm áp và tích cực về tình yêu cũng như cuộc sống, và trong những mối quan hệ của mình, họ không bao giờ bị lợi dụng hoặc bị xem nhẹ. ISFP có thể làm mọi thứ để làm người khác vui. Họ rất chung thủy và hay giúp đỡ mọi người bằng cả tấm lòng. Họ rất ghét cãi cọ cũng như xích mích, và luôn muốn được công nhận bởi chính con người thật của mình. Họ cần không gian riêng và cũng luôn tôn trọng không gian cá nhân của người khác.

Điểm mạnh của ISFP

  • Nồng nhiệt, thân thiện và quyết đoán.
  • Luôn lạc quan.
  • Là người biết lắng nghe.
  • Thành thạo trong việc giải quyết những chuyện thực tế thường ngày.
  • Linh hoạt và thoải mái, thường chiều theo ý người khác.
  • Tình yêu thiên nhiên và ưa chuộng những thứ vận hành tốt khiến cho họ luôn muốn sở hữu một ngôi nhà hấp dẫn và đầy đủ chức năng.
  • Nghiêm túc trong các cam kết và tìm kiếm những mối quan hệ lâu dài.
  • Luôn tôn trọng không gian riêng tư của người khác.
  • Có xu hướng thể hiện tình cảm bằng hành động.
  • Nhạy cảm và thực tế.

Điểm yếu của ISFP

  • Không thành thạo việc quản lí tài chính (hoặc nhiều lĩnh vực khác) trong thời gian lâu dài.
  • Không thích xung đột và chỉ trích.
  • Luôn tận hưởng cuộc sống hiện tại, đôi khi người ngoài có thể thấy họ lười biếng và chậm chạp.
  • Cần có không gian riêng, không thích nó bị xâm phạm.
  • Không giỏi thể hiện tình cảm bằng lời nói.
  • Có xu hướng che đậy cảm xúc và suy nghĩ, trừ khi buộc phải nói ra.
  • Có thể trở nên quá đa nghi và thực tế.

Bonus: Tóm Tắt Xu Hướng Tính Cách Theo Tên Gọi Từ Chữ Cái Của Nhóm:

ISFP: Hướng nội – Giác quan – Tình cảm – Linh hoạt

I – Bạn thuộc nhóm tính cách Hướng nội:

Tính hướng nội là bản chất của bạn. Thái độ của bạn trong cuộc sống (vào đời và hướng nghiệp) là trầm lắng thể hiện tâm tính của mình theo chiều sâu, cũng lặng thầm làm việc trong tĩnh khuất để cống hiến. Chủ đích của bạn không chuộng bề nổi mà thích bề sâu. Bạn thích sự chu đáo và thâm tình trong quan hệ và trong công việc. Xu hướng của bạn là không thích phô trương, nhất là không màng phô trương danh nghĩa và đồng tiền (dù bạn có). Nếu giàu có, bạn cũng muốn ẩn mình giúp đỡ người khốn khó mà không kể công và không xưng danh. Mặt khác, do được rèn luyện, lại có sẵn bản tính trầm tư và sâu lắng, nên bạn thường mạnh về khả năng tưởng tượng phong phú và tư duy sáng tạo trong cách hành xử và hành nghề.

Tuy nhiên, mặt yếu của bạn là thiếu quảng giao, thiếu sự hòa nhập với đám đông, thiếu khả năng tự thể hiện khi cần chứng tỏ. Do đó, bạn thường vụng về khi nói về mình hay bộc lộ suy nghĩ. Trong giao tiếp, bạn thường ẩn mình ở thế thủ, ngại cởi mở tâm hồn. Bạn rất cần mẫn khi làm việc với chính mình, chỉ riêng mình, nhưng hơi khó làm việc khi cần hợp tác với số đông trong những dự án chung với tập thể. Dù vậy cũng không đến nỗi nào, vì đó chỉ là những thiếu sót nhỏ, dễ khắc phục nếu bạn mạnh dạn hơn khi hòa đồng, khi giao lưu và biết chủ động chia sẻ trong công việc.

Một số ngành nghề phù hợp với tính cách hướng nội: Nghiên cứu khoa học (bao gồm cả tự nhiên và cả xã hội), các ngành nghề kỹ thuật, các nghề thợ, thủ công mỹ nghệ…

Lưu ý: Nếu kết quả chỉ số Hướng nội và Hướng ngoại xấp xỉ bằng nhau thì về cơ bản, bạn có một tính cách trung hòa giữa hướng ngoại và hướng nội. Điều này cũng tốt, có khi rất tốt cho nhiều lĩnh vực trong quan hệ và việc làm.

S –  Cách thức tìm hiểu và nhận thức thế giới của bạn thiên về Giác quan:

Bạn là người rất thực tế, không chỉ giàu óc thực tế mà chủ yếu là lấy thực tế làm phương châm sống của mình. Đây là một điểm mạnh trong tính cách của bạn, bạn không thích sự mơ hồ và huyền ảo, càng không thích những lý thuyết xa vời hay sự hứa hẹn viễn vông. Với bạn, chỉ có thực tiễn sống động là câu trả lời đáng tin nhất. Bởi thế, bạn thường lao vào làm việc hơn đọc sách, thích lăn lộn ở hiện trường hơn ngồi một chỗ để nghiên cứu. Nếu phải nghiên cứu khảo sát, bạn thiên về định lượng hơn định tính khi kiểm định một vấn đề.

Tuy nhiên, bạn chưa thấy rõ mình đang non yếu về năng lực tư duy chiều sâu, nhất là về ý thức nhìn xa trông rộng. Tuy khá mạnh về chiến thuật xử lý trong công việc, nhưng bạn thiếu hẳn một tầm nhìn chiến lược. Bởi thế, bạn dễ dành được những cái lợi trước mắt, nhưng bị tổn thất những lợi ích lâu dài, mà chính cái lợi lâu dài mới là cơ bản. Mặt khác, do tầm nhìn hạn hẹp và thiếu ý thức chiều sâu nên bạn khó thấy được những bài học sai lầm của quá khứ hoặc những định hướng cao đẹp của tương lai. Điều đó khiến bạn không có một căn bản để lấy đà khi cần tiến xa. Hơn thế, bạn thiếu luôn cả óc tưởng tượng sáng tạo khi cần phải hoạch định công việc hay xử lý một vấn đề mang tầm vĩ mô.

Một số ngành nghề phù hợp với người nhận thức thiên về giác quan: Các ngành nghề kỹ thuật, các nghề thợ, nhân viên văn phòng…

Lưu ý: Nếu kết quả các chỉ số trực giác và giác quan của bạn xấp xỉ bằng nhau thì về cơ bản, bạn có một tính cách trung hòa giữa trực giác và giác quan. Điều này cũng tương đối tốt ở mức độ bạn dễ tạo được sự cân bằng trong nhận thức, tránh chủ quan hoặc cực đoan khi đánh giá hay kiểm định một vấn đề.

F – Tình cảm thường ảnh hưởng đến các quyết định và lựa chọn của bạn:

Bạn sống thiên về tình cảm, giàu lòng vị tha, nhiều cảm xúc hướng thiện. Tâm hồn của bạn khá rộng mở về phía tha nhân và ngoại cảnh, khiến bạn dễ cảm thông với nhiều nghịch cảnh và cả sự trái ngang trong nhân tình thế thái. Trong nhiều trường hợp xử lý liên quan đến người và việc, bạn nghiêng về các giải pháp tình cảm nhiều hơn, giữ gìn mối quan hệ trước sau được tốt hơn. Sự đôn hậu là một điểm son trong tâm hồn bạn. Bạn dễ dàng chấp nhận khó khăn về mình, nhường sẻ thuận lợi cho người, kể cả người mình không ưa. Nhờ vậy, bạn được nhiều người ưa và thường giữ được lòng thanh thản, không mấy liên lụy đến những rắc rối linh tinh. Thế mạnh của bạn là giữ được tâm bình.

Tuy vậy, chính trong thế mạnh đó cũng thể hiện sự hẫng hụt của bạn mỗi khi bạn đi quá đà vì tình thương của bạn đã đặt không đúng chỗ hoặc đầu tư quá liều lượng. Sống tình cảm là rất quý, nhưng quá nghiêng về tình cảm lại là một sai lầm cực đoan và do đó dễ thất bại trong đối nhân xử thế và điều hành công việc. Nếu không giữ được thăng bằng giữa tình cảm và lý trí, bạn sẽ gặp tình trạng được người mà hỏng việc. Mà cái gọi là “được người” đó cũng chỉ tạm thời, chưa hẳn “được” một cách tích cực, vì họ chỉ thấy sự thiên vị mà không quán triệt nguyên tắc, chỉ thấy đạt tình mà không thấu lý.

Một số ngành nghề phù hợp với người sống thiên về tình cảm: Công tác xã hội, dịch vụ công, nghệ thuật, y tế sức khỏe…

Lưu ý: Nếu chỉ số Lý trí và Tình cảm của bạn xấp xỉ bằng nhau thì về cơ bản, bạn có một tính cách cân bằng giữa tình và lý, cương và nhu, kiên quyết và ôn hòa… Đương nhiên, điều này rất tốt trong nhiều trường hợp nhưng không phải tốt với mọi trường hợp. Vấn đề là phải cân nhắc, lựa chọn kỹ khi nào phải đặt lý lên trên, khi nào tình ở trên và khi nào phải dung hòa.

P –  Linh hoạt là phong cách sống và làm việc của bạn:

Trái với người hay nguyên tắc cứng nhắc, bạn là người ưa linh hoạt uyển chuyển trong đối nhân xử thế, kể cả cách tiến hành công việc. Tại đó, không chỉ tính nhân văn đã lên đỉnh cao trong tâm hồn bạn, mà tính sáng tạo cũng lấp lánh trong trí tuệ minh mẫn của bạn. Cuộc sống và sự nghiệp luôn động, nên tính cách của bạn cũng biến chuyển theo những chiều kích đó. Vì vậy, thông thường, bạn không ưa rập khuôn. Mọi nguyên tắc đặt ra chỉ phù hợp với trạng thái tĩnh, rập khuôn và xơ cứng. Cho nên, bạn thường có tâm lý muốn thoát khỏi mọi sự gò bó và đơn điệu. Sức giải phóng cho tính sáng tạo của bạn nhờ đó mà được thăng hoa.

Bạn nhìn mỗi người và mỗi việc theo trạng thái động, rất biện chứng. Tính cách này khiến bạn độ lượng hơn, bao dung hơn, vị tha hơn. Nó cũng khiến bạn chủ động suy nghĩ tìm tòi những giải pháp (cả giải pháp tình thế lẫn giải pháp chiến lược) cho những yêu cầu cải tiến công việc, nhất là khi cần vượt qua khủng hoảng.

Tuy nhiên, bạn cũng nên biết dè chừng và cảnh giác. Bởi vì, tâm lý học nhân cách và tâm lý học sáng tạo đều cho thấy, tính linh hoạt là “con ngựa hay mà cũng là con ngựa chướng”. Nếu quá đà, tính linh hoạt sẽ biến thành “ngựa bất kham”, bạn khó làm chủ được nó, khiến nó tung tẩy phá cách, phá rào vô tội vạ, làm hỏng việc và hỏng cả hình ảnh sáng láng của bạn trước mọi người. Bởi thế, kỹ năng biết làm chủ cảm xúc, làm chủ trí tuệ, làm chủ tâm hồn trước mọi động thái linh hoạt và sáng tạo… vẫn là những bí quyết thành công của người biết thành nhân.

Một số ngành nghề phù hợp với tính cách linh hoạt: Du lịch, thông tin truyền thông, văn hóa, chính trị, ngoại giao, công tác xã hội, nghệ thuật…

Lưu ý : Nếu chỉ số Nguyên tắc và Linh hoạt của bạn xấp xỉ bằng nhau, thì về cơ bản, bạn có một khả năng điều chỉnh để đạt được sự cân bằng giữa tính linh hoạt và tính nguyên tắc. Theo đó, bạn biết tùy cơ ứng biến để khi nào thì phải thượng tôn nguyên tắc, khi nào lại cần đến sự linh hoạt, và khi nào phải vận dụng cả hai. Thông thường trong công việc, phải vận dụng kết hợp cả tính nguyên tắc và tính linh hoạt là tốt hơn cả. 

Bí quyết giao tiếp với người ISFP:

– Tránh đối đầu, hãy hợp tác và tỏ ra lịch sự

– Hãy nhấn mạnh những biện pháp thực tế mà họ có thể sử dụng để giúp đỡ người khác

– Khiến cho công việc vui vẻ – Hãy tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ cùng họ

© 2011 – 2012, https:. Luôn Tôn Trọng và Bảo Hộ mọi Tác Quyền như một lời cảm ơn!


Leave a Reply to Sangg Cancel reply

16 thoughts on “ISFP – The Artists – Nghệ Sĩ