[Suy Ngẫm] Chúng Ta Sẽ Nhận Được Gì?


Có một sự thật rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết mình sẽ nhận được cái gì nếu sống và cống hiến hết mình với cuộc đời này. Tuy nhiên, thái độ sống của chúng ta là thường giữ cho mình phần nhiều hơn và luôn đòi hỏi sự may mắn cũng như ân huệ của cuộc đời hơn là muốn cống hiến. Hôm nay, tôi muốn kể một câu chuyện mà tôi có chăm chút ý nghĩa nhiều hơn trong bản dịch của mình.

Từ nhiều thế kỷ trước, tại một vương quốc rộng lớn và thịnh vượng  có một ngôi làng nằm xa kinh thành và rất hẻo lánh. Những người dân trong làng đa phần đều sống trong cảnh kham khổ. Một ngày kia có người nói rằng nhà vua sắp đến thăm làng, dân trong làng ai nấy đều vui mừng vì họ ngỡ rằng ngôi làng đã bị lãng quên. Khắp nơi đều huyên náo với thông tin đó.

Sở dĩ họ vui mừng đến vậy vì nhà vua rất anh minh và thương dân, là một vị vua hiếm có về tài năng, sự công bằng và đức độ. Ngài được tôn kính bởi những gì đã làm cho đất nước và nhất là với những người dân còn sống trong cảnh nghèo khổ.

Có một người ăn xin trong làng là có vẻ “kích động” hơn cả, thế là sau đó ngày nào ông ta cũng ngồi ven con đường chính với hy vọng nhà vua sẽ thấy mình mà bố thí cho nhiều vàng. Quả nhiên vài ngày sau, đoàn xe của nhà vua đến làng thật. Thế là người ăn mày lao ra van nài lính canh cho phép mình được diện kiến đức vua. Tiếng ồn ào làm nhà vua chú ý, và ngài cho phép ông ta đến gần cổ xe của mình để nghe điều mà người ăn mày muốn nói.

Ông ta bắt đầu tán dương công đức và sự rộng rãi của ngài rồi sau đó là van xin sự bố thí. Nhà vua nhìn ông ta và suy nghĩ một hồi rồi hỏi kẻ ăn mày:

– Ngươi có thể giữ lại những gì là của riêng ngươi, nhưng nếu có thể cho đi những thứ đáng giá nhất của ngươi thì ngươi có thể cho ta được những gì… kẻ đáng thương kia? Chẳng hạn như… bây giờ ta yêu cầu ngươi đưa cho ta những gì đựng trong chiếc túi ngươi đang đeo ở thắt lưng…

Đó là chiếc túi đựng gạo của người ăn mày, ông ta thật không tin những gì mình đang nghe để có thể phản ứng lại. Ông ta không nghĩ trường hợp này lại xảy ra, đó là tất cả số gạo còn lại trong ngày của ông ấy, ông ta định sẽ nói không nhưng rồi suy nghĩ lại… không thể nào từ chối đề nghị của nhà vua.

Thấy sự phân vân đó nhà vua liền độ lượng hỏi lại: Ngươi có thể cho ta bao nhiêu phần trong chiếc túi đó?

Thế là ông ta trút một phần rất nhỏ gạo trong túi ra và dâng lên nhà vua. Ngài nhận nắm gạo nhỏ bé đó mỉm cười và nói: “Sau khi ta xong việc ở đây, ngươi sẽ nhận được những gì đáng có”. Nhà vua cùng người của mình tiến vào làng và giúp đỡ người dân xây dựng 1 số công trình và chỉ họ các phương pháp gieo trồng mới cũng như dạy thêm 1 số nghề thủ công cho phụ nữ.

Vài ngày sau, đoàn xe của đức vua quay về kinh thành và ngài không quên gởi 1 túi vàng nhỏ cho kẻ ăn mày cùng một lời nhắn:

Mỗi hạt gạo mà ngươi đổi cho ta bằng với số đồng vàng trong túi này!

Tất nhiên, nhà vua chẳng bao giờ quay lại nơi đó. Và kẻ ăn mày thì cứ mãi hối tiếc và tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu ta đưa hết túi gạo cho nhà vua?

Một lúc nào đó, khi ngồi ngẫm lại… chúng ta sẽ thấy mình giống hình ảnh của người ăn mày kia và nhà vua chính là cuộc đời này. Chúng ta có xu hướng, đòi hỏi sự đền đáp, kêu gọi sự may mắn và luôn muốn nhận được nhiều hơn những gì phải bỏ ra.

Dĩ nhiên là chẳng bao giờ chúng ta biết được mình sẽ nhận được cái gì khi cho đi. Nhưng hãy giữ niềm tin rằng cuộc sống vốn công bằng và sẽ luôn đáp trả một cách xứng đáng. Đừng nắm giữ tất cả một cách ích kỷ cho riêng mình bởi biết đâu bạn sẽ bỏ lỡ cả túi vàng mà cuộc sống trả lại cho bạn.

Henry Long Nguyen Dịch

 

© 2011 – 2015, https:. Luôn Tôn Trọng và Bảo Hộ mọi Tác Quyền như một lời cảm ơn!


Leave a Reply to Hồng Hạnh Cancel reply

26 thoughts on “[Suy Ngẫm] Chúng Ta Sẽ Nhận Được Gì?

  • Marzjic

    cho và nhận luôn là bài học đời người và chăng bao giờ là đủ 🙂
    nhưng ở câu chuyện này, em thích chi tiết nhà vua hỏi người ăn xin nhất (nếu bình chọn thì đó sẽ là đoạn hay nhất câu chuyện) :xlẽ thường, chúng ta sễ dễ dàng san sẻ hay ban phát một ân huệ (như một cách tích lũy công đức ) cho kẻ yếu kém hay nghèo hèn hơn mình. nhưng đối với kẻ đứng ở địa vị hơn hẳn chúng ta thì sẽ như thế nào. điều đó thật phi lý?! Có thể nào chúng ta có xu hướng định kiến với người giỏi hơn mình? định kiến, ích kỷ, ghen tuông, đố kị… em đã từng nằm trong số đó 🙂 …một vị vua anh minh và sắc sảo :)cám ơn anh về câu chuyện rất sâu sắc.

  • Xấu Xí

    Nếu tôi là người ăn mày đó thì tôi đã giàu to rồi, nhưng tiếc thay tôi chẳng đi xin người khác bao giờ (trừ xin việc), chỉ toàn đi cho thiên hạ và hiếm khi được đền đáp bởi người được cho, nhưng tôi lại nhận được rất nhiều từ những người khác. Cứ cho đi, bạn sẽ nhận được tương xứng, thậm chí cộng với lãi suất nữa 😀

    • Hoimai2011

      vậy là bạn vẫn còn quan tâm việc có nhận lại đc gì hay ko rồi. Đã thật muốn thành người đi cho, khi cho rồi xin hãy quên ngay đi, quên đi mình đã cho những gì, giá trị bao nhiêu, quên cả có đc họ đáp lại gì hay ko, chỉ cần nhớ đến nụ cười, niềm hạnh phúc đọng lại trên khuôn mặt họ – những người đc ta giúp đỡ, là đủ mãn nguyện rồi. Quên đi có nhiều tác dụng rất lớn, thứ nhất nó ko khiến ta buồn vì cảm thấy cho thì nhiều mà nhận lại chả bao nhiêu nên có niềm tin ở đời hơn; khi cho rồi và quên luôn ta sẽ ko nhớ là mình là người ban ơn nữa ( nhiều người thấy mình là kẻ ban ơn thì tự cho mình cái quyền lên mặt trc kẻ khác hoặc tỏ ra ta đây thật hào phóng) điều này khiến người chịu ơn rất thoải mái bởi vì tự trong lòng họ biết ơn ta nhưng ko thấy mình là kẻ phải chịu ơn người khác. … Chỉ nhớ đến niềm hạnh phúc khi họ đc mình giúp đỡ khiến bản thân mình thấy hạnh phúc lây, có niềm tin ở đời hơn, và cảm giác đc rằng mình đã làm đc 1 điều có ích cho người khác, tự nó đánh thức tiềm thức và làm mình càng hay giúp đỡ người khác hơn. … 
      Và nếu mình là người đc nhận sự giúp đỡ, mỗi người có 1 kiểu hành xử riêng, người thì có ơn nhất định phải báo đáp như trả nợ, có người thì luôn nhớ đến cái ân nghĩa đó và sẵn sàng giúp đỡ lại ân nhân khi có thể, cũng có những người thấy đc giúp đỡ là chuyện đương nhiên và dễ quên vì thấy cái ơn đó nó nhỏ quá (theo mình cái ơn nằm ở chất, cái việc người khác rất sẵn lòng giúp mình, giúp hết mình thì dù có nhỏ cũng rất đáng đc trọng và ghi tạc trong lòng, nhưng cái ơn lớn mà người giúp lúc nào cũng lên mặt thì cái ơn đó chưa bằng cái tình người của ơn nhỏ kia), thậm chí có người gặp cơn hoạn nạn nhưng đc đối thủ giúp đỡ, thấy mình bị làm nhục, lại nhất là cái người ban ân hay tỏ vẻ ta giỏi hơn, ban ơn, càng khiến đối thủ ôm bụng trả thù, rất là nguy hiểm. Đó là mỗi người mỗi cách đáp trả ơn, cũng tùy từng trường hợp nữa.
      Nhưng dù nói gì đi nữa, mình nghĩ bạn nói đúng, nếu là người ăn mày trong câu chuyện, mình cũng tin bạn sẽ giàu, vì bạn sẽ ko đòi hỏi mà chỉ nghĩ trong lòng thôi, và cái ý nghĩ muốn đc nhận lại đó cũng rất ít nên bạn mới ko đòi hỏi, bởi bạn vốn là người thích cho đi mà phải ko 🙂

      • Xấu Xí

        Bạn nói đúng, tôi vẫn quan tâm đến việc nhận lại, tuy nhiên bạn quên mất cảm giác của người nhận – họ không hẳn là hạnh phúc đâu mà là cảm thấy nhẹ nhõm như thoát được một gánh nặng, người hạnh phúc chính là người cho cơ. Thường thì sau khi giúp ai được việc gì tui cảm thấy lâng lâng và có hứng làm việc, vui chơi cho cả ngày hôm đó. Đấy là cái tui mong nhận được đó. Nhưng tui có một nguyên tắc là ko bao giờ cho tiền ăn mày, những thầy chùa tới tận nhà xin quyên góp cho tổ chức này tổ chức nọ. Lòng tốt đặt ko đúng chỗ đôi khi lại tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, còn bực mình hơn.